Cuộc chiến tiền tệ hậu Covid
Khi giai đoạn “hậu Covid” đến gần, nhiều quốc gia mở cửa để phát triển kinh tế, thì giới tài chính cũng đồng thời lên tiếng về việc tranh giành kiểm soát thị trường tiền số.
Randall Kroszner, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Booth (Đại học Chicago), cựu Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang (Mỹ) nói với Blooberg rằng, đây sẽ là cuộc chiến thực sự trên thị trường tài chính khi thế giới “sống chung” với Covid-19.
Tại thời điểm này, các nhà đầu tư cũng như giới tài chính quốc tế đang bối rối trước sự biến động khi hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc tìm cách thắt chặt kiểm soát đồng Bitcoin cùng các loại tiền số khác. Nhận định của tờ Bloomberg, đó là điều “dễ hiểu” khi các quốc gia đầu tàu của nền kinh tế thế giới nhận thấy cần kiểm soát “thị trường tiền tệ” trị giá hàng nghìn tỷ USD này.
Kiểm soát trước các hành vi giống như đánh bạc
“Hiểu được những khía cạnh của cuộc chiến đa chiều nhằm kiểm soát thị trường màu mỡ này sẽ là chìa khóa để đồng tiền truyền thống (tiền giấy, tiền xu) không bị tiền kỹ thuật số (tiền ảo) lấn lướt” - Matt Hougan, Giám đốc đầu tư tại Bitwise Asset Management nói và cho rằng “tiền số đã trở nên quá to tát để có thể bỏ qua. 5 năm trước, ít nhất là trong suy nghĩ của các nhà quản lý, đó chỉ là loại giao dịch giữa các game thủ. Ngày nay, đó là một ngành công nghiệp trị giá 2.000 tỷ USD và mọi ngân hàng lớn ở Phố Wall đang giúp các nhà đầu tư tiếp cận với nó. Và bây giờ họ phải đối phó với nó”.
Trong khi đó, Nicolas Christin, Phó Giáo sư đưa ra nhận xét, cho dù nhiều quốc gia “lẳng lặng” để tiền số tồn tại, kể cả đã có quốc gia (El Salvador) hợp pháp hóa nó nhưng còn nhiều hơn thế là những quốc gia muốn tìm cách trấn áp nó. Đặc biệt là hệ thống ngân hàng, họ không thể ngồi im nhìn sự lấn dần thị trường tiền tệ của những đồng tiền số. Theo vị chuyên gia này, các chính phủ trấn áp đồng tiền số vì hai lý do. Thứ nhất, họ muốn hạn chế khai thác tiền số do phải tiêu tốn năng lượng vào quá trình tạo lập và xác minh giao dịch. Và thứ hai, nghiêm trọng hơn, họ muốn giám sát các giao dịch tiền tệ, đồng thời vô hiệu hoá bất kỳ thách thức nào đối với đồng tiền số truyền thống.
Với nước Mỹ, chiến thuật điều tiết được áp dụng theo một cách riêng. Theo Phó Giáo sư Christin, cách tiếp cận của Washington nhằm mục đích tránh để xảy ra sự cố. Ông Christin đặt vấn đề liệu những người “nhỏ lẻ” tham gia vào thị trường tiền số có thực sự được trang bị kiến thức để đánh giá rủi ro, thay vì tham gia vào các hành vi giống như cờ bạc hay không.
Rõ ràng hơn, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch SEC Mỹ (SEC) Gary Gensler đã gọi tiền số là “Miền Tây hoang dã” của hệ thống tài chính Mỹ và lên tiếng kêu gọi một chế độ giám sát mạnh mẽ.
“Sự thận trọng của các cơ quan quản lý là điều dễ hiểu. Những kẻ lừa đảo đã khoắng sạch hàng tỷ USD bằng cách “bơm thổi giá” tiền số, sử dụng vô số chiến thuật để thu hút các nhà đầu tư không nghi ngờ” - James Seyffart, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence nói và nhấn mạnh chính quyền cần chỉ dẫn cho người dân không để họ bị trắng tay khi đầu tư để lao vào “đào” tiền ảo, trong đó có đồng Bitcoin. Tương tự, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho rằng ngành công nghiệp tiền số mong đợi hoạt động trong bí mật mà không có sự giám sát của chính phủ là phi thực tế.
Lên đỉnh cao rồi đổ vực sâu và cuộc so găng tiền tệ
Trong số khá “đông đảo” các loại tiền số thì Bitcoin nắm vị trí thống lĩnh, dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, sự biến động khủng khiếp của nó cho thấy đó là một cỗ máy tài chính tiền tệ khổng lồ, nhấn chìm tất cả những “thợ mỏ đào Bitcoin” thiếu kiến thức.
Mới đây nhất, Bitcoin đã trải qua một tuần lễ điên đảo khi vọt lên 53.000 USD/1 Bitcoin rồi lại trôi về mốc 42.000 USD. Sự biến động của Bitcoin lập tức kéo theo giá các đồng tiền mã hóa khác cũng biến động dữ dội.
Số liệu của CoinGecko cho biết, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng 24 giờ của một tuần “đẫm máu” là gần 33,6 tỷ USD, đưa vốn hóa của thị trường này lên mức hơn 885 tỷ USD.
Các đồng tiền mã hóa khác như Ethereum, Cardano, Polygon, Litecoin cũng theo “sóng” của Bitcoin mà trồi sụt, tạo nên sự lo âu cho cả hệ thống tiền tệ truyền thống lẫn thị trường tiền ảo, vì rằng trên thực tế, theo CoinGecko, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa đã đạt tới 2.163 tỷ USD.
Nói như CEO Matt Hougan thì sắp tới khi thế giới chấp nhận “sống chung” với Covid-19 thì thị trường tài chính tiền tệ sẽ bước vào cuộc đấu so găng quyết liệt, trước khi các quốc gia hàng đầu kiểm soát được tình thế. Mà cũng từ cuộc so găng này, kinh tế thế giới sẽ gặp khó khăn hơn trong quá trình hồi phục vì sự “tản mát, chia lực” của tiền tệ.
“Nếu không muốn tiếp tục khó khăn, thì ngay từ bây giờ các chính phủ cũng như hệ thống các ngân hàng trung ương phải lập tức ra tay, trước khi đồng tiền kỹ thuật số ra đòn quyết định” - Tiến sĩ Mattt Hougan nói.
Ngày 7/9/2021, El Salvador chính thức hóa việc sử dụng đồng Bitcoin. Như vậy, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa Bitcoin. Theo Wall Street Journal, bằng cách áp dụng một loại tiền tệ phi ngân hàng cùng tồn tại với đồng USD, giao dịch bên ngoài hệ thống ngân hàng được quốc tế bảo vệ, ngân hàng El Salvador đã “tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm”. Financial Times đưa tin, ngày 7/9, trên khắp thủ đô của El Salvador, hàng nghìn người dân đã xuống đường biểu tình để phản đối luật Bitcoin. Họ đốt lốp xe và pháo sáng trước Tòa án Tối cao. Người dân cho rằng họ sẽ phải đối mặt với thua lỗ khi nắm giữ một tài sản rất dễ bay hơi, hoặc phải bán chúng qua một doanh nghiệp ít minh bạch.