Nhiều dịch vụ không thiết yếu ở TP Hà Tĩnh 'sống dở, chết dở' vì Covid-19

Hạnh Nguyên 29/09/2021 08:00

Xe khách xếp hàng dài, trùm bạt kín mít; taxi xịt lốp, nằm chỏng chơ bên lề đường, dịch vụ karaoke “cửa đóng then cài”; khách sạn vắng tanh như “chùa bà Đanh”… là những hình ảnh ảm đạm ở TP Hà Tĩnh.

Đi dọc các tuyến đường chính của TP Hà Tĩnh như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Hàm Nghi…đập vào mắt là hình ảnh những loạt xe khách, taxi “nằm nghỉ” dài ngày “dầm mưa, dãi nắng”.

4 chiếc xe giường nằm của nhà xe Dũng Thu trùm kín bạt.

Nằm “đắp chiếu” hơn 4 tháng nay, xót của, chủ nhà xe Dũng Thu (đường Trần Phú) lấy bạt che kín mít phía trên để bảo quản những chiếc xe giường nằm – tài sản quý giá của doanh nghiệp.

Chị Thu - chủ nhà xe Dũng Thu cho hay, để duy trì, kiếm tiền nộp lãi ngân hàng, và giữ chân nhân viên, vợ chồng chị phải vay tiền mua 2 chiếc xe tải chở hàng. Còn 4 chiếc xe khách giường nằm chạy tuyến cố định Hà Tĩnh – Hà Nội của gia đình, từ đầu năm đến nay chỉ chạy được ít chuyến đếm trên đầu ngón tay.

Xe xịt lốp, nhà xe phải kê lên để phòng hỏng xe.

Từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 xe khách Hà Tĩnh và các tỉnh có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đến nay, tất cả xe khách ở Hà Tĩnh đều “đắp chiếu”, “tấp bờ”, nghỉ ngơi dài hạn. “Mấy tháng đầu năm có chạy nhưng cũng chỉ chạy cầm hơi chứ không có khách. Hơn 4 tháng nay xe chúng tôi không chạy chuyến nào” - chị Thu buồn bã chia sẻ.

Những đoàn xe "đắp chiếu" tại Bến xe TP Hà Tĩnh.

Tại Bến xe TP Hà Tĩnh, hàng chục chiếc xe "sang chảnh", được mệnh danh là “chuyên cơ mặt đất” của nhà xe Quốc Tuấn, Hiếu Viện, Phú Quý, Văn Minh…cũng xếp hàng dài trong bãi.

Đìu hiu bên trong bến xe.

Bốt bán vé của các nhà xe không một bóng người, chỗ ngồi cho khách chờ xe cũng bám đầy bụi bẩn. Bến xe ngày nào vẫn tấp nập người vào ra, giờ đây trở nên đìu hiu, buồn bã đến nao người.

Giường nằm trong xe vắng bóng hành khách cũng trở nên buồn hiu hắt.

Mặc dù taxi được phép kinh doanh nhưng khách ít nên tài xế nghỉ việc, xe nằm chỏng chơ trên vỉa hè. Nhiều bánh xe xịt lốp, rỉ sét nhưng doanh nghiệp không buồn sửa.

Khi taxi không có khách phải nằm lề đường.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 15 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định với tổng số 196 xe; 11 đơn vị kinh doanh tắc xi với 717 xe nhưng hiện chỉ có khoảng 30% phương tiện hoạt động; 2 đơn vị kinh doanh xe buýt với 128 xe.

Một chiếc taxi xẹp lốp, doanh nghiệp không buồn sửa.

Tất cả các loại hình vận tải chỉ hoạt động cầm chừng, thu không đủ chi, phải bù lỗ. Doanh nghiệp vận tải là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 2 năm liên tiếp diễn ra dịch Covid-19.

Mới đây (ngày 22/9), tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản cho phép một số loại hình kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại từ 0h ngày 23/9/2021.

Các cơ sở karaoke im ắng.

Tuy nhiên, các hoạt động, dịch vụ như: Trung tâm hội nghị, tiệc cưới; rạp chiếu phim, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet công cộng vẫn tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, các cơ sở karaoke vẫn đóng cửa kín mít.

Ông Phan Thiện Chiến - chủ cơ sở karaoke Kingdom (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho hay, hơn 50 nhân viên của cơ sở đã nghỉ việc, giờ ông chỉ thuê 2 nhân viên bảo vệ trông coi. Hàng tuần, ông phải gọi thợ điện đến khởi động hệ thống âm thanh, ánh sáng, sấy phòng, nội thất…để bão dưỡng nếu không sẽ hư hỏng hết.

2 năm nay, dịch vụ karaoke hoạt động cầm chừng.

Hiện tại, vợ chồng ông Chiến đang nợ ngân hàng hơn 10 tỷ đồng, “chắc phải bán đất để duy trì chứ tôi không thể kham nổi nữa” – ông Chiến buồn rầu nói.

Khách sạn cũng vắng bóng người.

Chủ các cơ sở dịch vụ không thiết yếu còn lại chưa được hoạt động ở Hà Tĩnh đang hy vọng, đến đầu tháng 10 này, dịch Covid-19 ổn định sẽ được mở cửa, hoạt động trở lại.

Hạnh Nguyên