Trường dạy nghề 'mỏi mắt' tìm học viên: Nguy cơ thừa thầy thiếu thợ
Ngày 28/9, nguồn tin của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có được, tại TP HCM từ đầu năm đến nay tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt 18% trong tổng chỉ tiêu là 66.805/371.000 người.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM) trong 9 tháng năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh các đơn vị giáo dục nghề nghiệp là 66.805/371.000 người, đạt tỷ lệ 18% so với kế hoạch năm. Trong đó, trình độ cao đẳng 19.827/45.000 người, đạt 44,06%; trung cấp 9.980/36.000 người, đạt 27,72% và sơ cấp và dưới 3 tháng 36.998/290.000 người, đạt 12,75%.
Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 116/5.800 người, đạt tỉ lệ 02% so với kế hoạch năm. Còn đối với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61.688/138.000 người, đạt tỷ lệ 44,7% so với kế hoạch năm. Trong đó, đại học là 2.536 người; cao đẳng là 6.635 người; trung cấp là 2.327 người và sơ cấp, thường xuyên 50.190 người (trong đó có 6.500 người có chứng chỉ đã qua đào tạo).
Theo lý giải của Phòng Giáo dục nghề nghiệp TP HCM nguyên nhân do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên các chỉ tiêu tuyển sinh, lao động qua đào tạo chưa đạt theo kế hoạch. Một số doanh nghiệp hoạt động giáo dục nghề nghiệp giải thể và một số trường trung cấp thôi tuyển sinh đào tạo. Về chỉ tiêu đào tạo cho lao động nông thôn hiện nay, UBND thành phố chưa ban hành kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn, do đó chưa có cơ sở pháp lý và kinh phí thực hiện đào tạo theo quy định.
Hiện trên địa bàn TP HCM có 393 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh là 371.000 học viên.
Thời gian qua các trường đào tạo nghề tại TP HCM có nhiều trường nghề được mở với quy mô đào tạo rất lớn và hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, phù hợp với thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là các trường rất khó tuyển sinh được học viên bởi các học viên và kể cả gia đình đều hướng con em mình vào các trường đại học, cao đẳng, với khát vọng sau này trở thành “thầy”, chứ không muốn làm “thợ”.