Ngành rau quả đối diện ‘khó khăn kép’
Ngành rau quả đang chật vật vì dịch Covid-19. Những ngày qua, người nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã lại chứng kiến thêm nghịch lý rau quả khó xuất khẩu, trong khi lại phải tốn kém nhiều chi phí xét nghiệm PCR.
Tỉnh Bình Thuận ước tính sản lượng thanh long thu hoạch sẽ vào khoảng 150.000 tấn trong 3 tháng còn lại của năm nay. Thu hoạch sản lượng không nhỏ, song vấn đề tiêu thụ trong thời gian tới vẫn là thách thức lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thấp, vận chuyển khó khăn…
Đặc biệt là những bất lợi từ thị trường Trung Quốc khi thị trường này siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản, hoa quả, nhất là thanh long trái tươi. Ông Đào Trọng Hòa, Chủ nhiệm HTX Thành Lợi (Hàm Tân, Bình Thuận) phản ánh, việc xuất khẩu đang gặp trở ngại khi việc lưu thông hàng hóa bị động, vận chuyển đường hàng không rất hạn chế, đặc biệt, vận tải biển thường xuyên bị hoãn, hàng bị hỏng, chi phí tăng quá cao. Theo ông Hòa, chính những rủi ro này khiến HTX chỉ tập trung đi đường bộ nên hàng tồn đọng và ách tắc tại khu vực cửa khẩu ở phía Bắc rất lớn. Để đưa trái thanh long qua được biên giới Trung Quốc, HTX cũng như DN phải làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với người tham gia thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển.
Không những vậy, các HTX, DN còn phải gửi kết quả xét nghiệm và các hình ảnh xếp thanh long lên xe vận chuyển cho DN nhập khẩu Trung Quốc để làm căn cứ áp dụng các biện pháp phòng dịch trong nhập khẩu. Nhiều khâu, thủ tục trong xuất khẩu trái cây đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước trong thời điểm hiện nay.
Điều đáng nói, xuất khẩu sụt giảm trong khi tình hình tiêu thụ trong nước chưa thuận lợi, ngành hàng rau quả nước nhà vẫn thường xuyên chịu cảnh ứ đọng. Đơn cử như ở tỉnh Đăk Nông, trong tháng 9 này, các loại bơ, sầu riêng, rau, củ, quả... đang vào vụ thu hoạch nhưng mịt mờ đầu ra do người sản xuất, các thương lái, các cơ sở thu mua và chế biến đều đang gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, bơ thu hoạch hơn 20.000 tấn; sầu riêng gần 25.000 tấn; rau, củ, quả gần 90.000 tấn.
Nhiều DN, HTX cho biết họ đang chịu nhiều áp lực về mặt chi phí để giúp bảo đảm đầu ra cho ngành hàng rau quả. Chẳng hạn như các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Theo tính toán của ông Trần Xuân Bùi, Giám đốc Công ty Minh Thành (tỉnh Tiền Giang), ước tính các DN và HTX chuyên chở mặt hàng rau quả trong mùa dịch này phải bỏ ra 70-80% chi phí chống dịch, chủ yếu chi cho vào xét nghiệm Covid-19.
Ông Bùi cho biết, có HTX vận tải mỗi tháng phải mất 300 triệu đồng chi phí xét nghiệm PCR cho gần 150 lái xe. Với các tuyến đường dài chạy 4-5 ngày thì chi phí xét nghiệm tăng gấp đôi. Công ty Minh Thành từ khi thực hiện “3 tại chỗ” từ cuối tháng 7/2021 đến nay, xét nghiệm PCR cho 350 người lao động với chi phí hàng tuần là 60 triệu đồng, tức 240 triệu đồng một tháng.
Theo giới chuyên gia, những bất cập trong quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương khiến nhiều HTX, DN thu mua rau quả gặp trục trặc, dẫn đến đứt gãy sản xuất, công suất hoạt động chỉ còn 20 - 30%. Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã đề xuất các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh quy định về thủ tục giao nhận hàng hóa phù hợp với tình hình mới; đồng thời đề nghị cần tăng độ phủ vaccine cho lao động trong ngành rau quả ở các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung và các đối tượng có mức độ tiếp xúc cao với cộng đồng.