Sinh viên ‘phát sốt’ vì các khoản thu
Nhiều trường đại học - cao đẳng đã bắt đầu làm thủ tục nhập học cho sinh viên khóa mới học theo hình thức trực tuyến, đáng chú ý các khoản phí lại do mỗi trường quy định một kiểu. Việc phải nộp nhiều khoản phí đầu năm khiến nhiều sinh viên “phát sốt”.
Mỗi trường một mức thu
Khoản thu đầu tiên và là quy định bất thành văn với không chỉ khối đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mà các trường phổ thông, trường mầm non đều thu là phí nhập học. Tuy nhiên, ở mỗi trường mức phí này là khác nhau.
Đơn cử, lệ phí nhập học của Trường ĐH FPT năm học này là 4,6 triệu đồng. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đây là mức phí nhập học cao nhất trong các trường.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thu phí nhập học 700.000 đồng với tất cả các ngành, riêng ngành dược là 900.000 đồng.
Nhìn chung, phí nhập học được trường thu để chi cho các hạng mục như chi phí nhân sự làm, xử lý hồ sơ nhập học, giấy tờ, gửi tin nhắn, gửi giấy báo trúng tuyển… Trước ý kiến cho rằng thí sinh làm thủ tục nhập học trực tuyến thì không phát sinh khoản thu này, lãnh đạo một trường học cho biết mỗi nhà trường đều phải có bộ phận xử lý hồ sơ nhập học, dù nhập học trực tuyến hay trực tiếp thì đều phát sinh khâu này nên các trường phải trả phí cho người làm việc ngoài chuyên môn, do đó trường thu phí nhập học.
Ngoài ra, nhiều trường gọi chung là phí nhập học nhưng trong đó bao gồm nhiều khoản chi phí cụ thể. Như Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, lệ phí nhập học 1.090.025 đồng. Bao gồm trong đó các khoản chi phí: Phí hành chính hồ sơ 230.000 đồng, phí cấp thẻ sinh viên 30.000 đồng, phí khám sức khoẻ nhập học 90.000 đồng, phí bảo hiểm y tế 704.025 đồng/15 tháng, phí bảo hiểm tai nạn 36.000 đồng/15 tháng.
Hay Trường ĐH Sài Gòn thu lệ phí nhập học đối với ngành đào tạo giáo viên là 583.870 đồng, nhóm không thuộc đào tạo giáo viên thì chia thành 2 mức. Mức cho nhóm 1 là 4.303.870 đồng, nhóm 2 là 5.023.870 đồng. Lệ phí nhập học gồm đồng phục thể dục, huy hiệu trường, thẻ sinh viên, sổ tay sinh viên, hồ sơ nhập học, bảo hiểm y tế (2 tháng), bảo hiểm tai nạn, khám sức khoẻ đầu năm và học phí học kỳ I.
Vì vậy, thực tế, phải theo dõi chi tiết từng khoản phí mới rõ mức cao - thấp mà các trường tự đưa ra.
Tuy nhiên, bất cập ở đây là cùng là khoản phí khám sức khỏe, giữa các trường cũng không hề thống nhất. Chẳng hạn, các trường trong hệ thống ĐH Quốc gia Hà Nội thu phí khám sức khỏe 180.000 đồng; Trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng thu 77.000 đồng; Trường ĐH Kinh Bắc thu 100.000 đồng, Trường ĐH Thái Bình Dương thu 150.000 đồng, Trường ĐH Thuỷ lợi thu 200.000 đồng, Học viện Ngoại giao thu 250.000 đồng.
Mức chênh lệch lên tới gần 200.000 đồng cho một khoản thu có cùng tên gọi giữa các trường khiến sinh viên và nhiều người phải đặt câu hỏi: Đâu là sự khác biệt khi khám sức khỏe với chi phí cao và chi phí thấp?
Trước đó, khi các sinh viên phản đối việc tăng học phí trong tình hình dịch bệnh, Trường ĐH FPT cho rằng nhà trường chỉ tăng học phí 5 năm một lần với mức tăng trung bình chỉ 1,9%/năm. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT cho biết, về chính sách học phí, trước nay, trường đều nhất quán theo nguyên tắc đã được thông báo với sinh viên khi nhập học, là học phí có thể điều chỉnh hàng năm, mỗi lần điều chỉnh không quá 10%.
Sau phản ánh của nhiều sinh viên và đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐH FPT đã quyết định tạm thu học phí kỳ đầu năm học 2021-2022 theo mức như trước đây.
Cần minh bạch và hợp lý
GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng: Dù là học phí hay các khoản phí khác, nhà trường đều phải công khai minh bạch theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Trong đó, khi đã thu học phí trực tuyến như học trực tiếp thì các khoản như thư viện điện tử hay học ngoài giờ... không được thu thêm để đảm bảo việc học tập của sinh viên. Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường thanh kiểm tra công tác thu chi của các trường trong suốt cả năm học, không chỉ riêng đợt đầu năm này.
Bởi trên thực tế, đã có trường thu phí sử dụng thư viện, thế chân sử dụng thư viện chưa đúng quy định, sau đó bị thanh tra, kiến nghị đã phải dừng thu và hoàn trả lại cho sinh viên đã nộp.
Dù không có mức trần như học phí nhưng theo quy định tại điều 65 Luật Giáo dục đại học 2018 và Nghị định 81/2021 của Chính phủ, các khoản thu dịch vụ tuyển sinh của các trường ĐH được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý thực tế phát sinh. Mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, giữa nhà trường và phụ huynh nên có chia sẻ cùng nhau để tìm được tiếng nói chung. Chẳng hạn, dù nhập học theo hình thức trực tuyến nhưng nhà trường phải chi nhiều hơn do nhân sự phải ở lại trường để thực hiện “3 tại chỗ”, vì thế, các mức phí nhập học vẫn phải thu và dao động khoảng 200.000-300.000 đồng là phù hợp.
Nguyễn Phương Anh - tân sinh viên Trường ĐH FPT bày tỏ: Học trực tuyến là phương án phù hợp nhất trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tuy nhiên các nhà trường cũng cần lắng nghe tâm tư nguyện vọng của phụ huynh và sinh viên, học sinh để qua đó điều chỉnh học phí cũng như các khoản thu khác sao cho phù hợp. Không thể lấy nguyên xi bảng thu phí mọi năm “áp” sang năm học này bởi khi học trực tuyến, bên cạnh một số khoản thu phát sinh thì nhiều khoản thu khác khi học trực tiếp phải được bỏ hoặc giảm trừ hoặc chưa tiến hành thu ngay vì sinh viên không/chưa sử dụng dịch vụ đó. Đồng thời, các trường cũng cân nhắc về các chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng Việt Nam: Cần có sự giám sát từ phía xã hội
Theo tôi phải làm rõ nguyên tắc xác định mức học phí chứ không thể chung chung như hiện nay. Trước hết, cơ sở giáo dục đại học phải tự xác định các mức chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của trường. Căn cứ vào chuẩn đầu ra tính toán chi phí đào tạo trong 1 năm học/1 học sinh. Chi phí đào tạo đó phải theo nguyên tắc cân bằng thu - chi. Nhưng có một nguyên tắc không thể quên, đó là học phí chỉ là một phần của nguồn thu chứ không phải tất cả để cân bằng chi phí đào tạo. Tuy nhiên, thực tế tại một số trường, để bù chi phí đào tạo họ lại tăng mức học phí. Đây là điều tối kỵ.
Từ trước đến nay, cách tính học phí dạy học trực tuyến chỉ là “bốc thuốc” chứ chưa dựa trên cơ sở khoa học chính xác. Hiện nay, đối với những trường có khoản thu không hợp lý, theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính, cao nhất là 20 triệu đồng. Như vậy là quá nhẹ so với 1 chỉ tiêu tuyển sinh. Hơn nữa, việc phát hiện các vi phạm trong các khoản thu của các trường thường chậm, không kịp thời. Xu hướng quản lý hiện nay là giao quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, trao quyền tự chủ thì việc giám sát các trường như thế nào, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, cần phải huy động sự giám sát từ phía xã hội, tức là mọi người dân, sinh viên, phụ huynh đều có quyền giám sát. Để có thể làm được điều đó, các trường phải công khai, minh bạch các hoạt động của mình và các chi phí cho hoạt động đó.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: Hệ lụy cao nhất là sự quay lưng của người học
Hiện nay, cơ chế tự chủ cho phép các trường tự chủ về tài chính, trong đó có học phí. Theo quy định, mức thu học phí được xác định trên cơ sở chi phí đào tạo nhưng không được cao hơn mức trần quy định để bảo đảm công bằng xã hội. Các trường phải có đề án, công bố công khai, minh bạch về các khoản chi từ học phí cho vấn đề gì của đào tạo.
Tuy nhiên, hiện nay, một số trường chưa làm được điều đó. Người học chấp nhận trả mức học phí cao để hưởng nền giáo dục tốt chứ không thể chấp nhận sự nhập nhèm. Thậm chí, nếu cơ sở giáo dục thu học phí thấp mà không bảo đảm chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường thất nghiệp là sự lãng phí cho xã hội. Vì vậy, tôi cho rằng, dù có quy định cụ thể nhưng hệ lụy cao nhất đối với các trường đưa ra các khoản thu bất hợp lý chính là sự quay lưng của người học, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nhà trường.
N. Hoài (ghi)