Thấy gì ở hệ số tiết kiệm trong đấu thầu của ngành giáo dục và y tế gần đây?

Đức Sơn 29/09/2021 06:20

Qua thống kê của báo Đại Đoàn Kết cho thấy, nhiều gói thầu mua sắm, xây lắp trong lĩnh vực giáo dục, y tế của một số địa phương tuân thủ pháp luật nhưng hệ số tiết kiệm đang còn thấp.

Đơn cử tại gói thầu số 01: Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 cho các trường trung học cơ sở do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư, giá gói thầu là 4.990.350.000 đồng, nhưng giá trúng thầu là 4.897.576.000 đồng, giảm được 92.774.000 đồng.

Trong nhiều gói thầu do Sở GD&ĐT Cao Bằng mời thầu, có gói thầu Mua sắm thiết bị trình chiếu, thiết bị văn phòng cho các cơ sở giáo dục năm 2021 là có hệ số tiết kiệm khá cao. Theo đó, giá mời thầu của gói thầu này là 8.016.382.000, gói thầu do Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Sơn Tùng trúng thầu với giá 7.201.100.000, tiết kiệm được hơn 800 triệu đồng.

Tại Sở GD&ĐT Nghệ An, vừa tổ chức lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 05: Toàn bộ phần xây lắp công trình thuộc dự án Xây dựng mới trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Giai đoạn 1). Tại gói thầu này, Liên danh Công ty CP tổng công ty xây dựng Nghệ An và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30.7 đã trúng thầu với giá dự thầu là 77.928.316.000 đồng.

So với giá mời thầu, sau đấu thầu, bên mời thầu tiết kiệm được gần 200 triệu đồng. Đây là một con số khá khiêm tốn so với trị giá gói thầu lên tới 78.123.709.000 đồng.

Trước đó, ngày 29/4/2021, tại gói thầu “mua sắm thiết bị phòng học bộ môn tại các trường phổ thông công lập năm 2021” sau khi lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu cũng cũng chỉ tiết kiệm được 35 triệu đồng.

Việc đấu thầu với hệ số tiết kiệm quá thấp, không chỉ xảy ra ở các ngành giáo dục mà khá phổ biến trong lĩnh vực y tế. Theo phản ánh, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp có tổng mức đầu tư 1.724.105.387.000 đồng, nhưng sau khi đấu thầu, tỉ lệ tiết kiệm của các gói thầu là khá thấp.

Cụ thể, tại quyết định 931/QĐ-SYT ngày 7/11/2019, Giám đốc Sở y tế phê duyệt Công ty TNHH Thành An Hà Nội (Công ty Thành An) trúng thầu gói thầu: Cung cấp, lắp đặt thiết bị phục vụ nhu cầu chuyên môn với giá 57.970.000.000 đồng, giá gói thầu là 58.078.350.000 đồng, tiết kiệm ngân sách 0.18%

Tiếp đó tại quyết định 1041/QĐ-SYT ngày 11/12/2019, Công ty Thành An tiếp tục được Giám đốc Sở y tế phê duyệt trúng gói thầu: Cung cấp các bộ dụng cụ phẫu thuật và hệ thống nội soi với giá 64.512.000.000 đồng, giá gói thầu 64.906.700.000 đồng, tiết kiệm ngân sách 0.6%.

Sau đó 6 ngày, Công ty Thành An tiếp tục trúng thầu lần 3 với gói thầu: Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị hỗ trợ thở và theo dõi bệnh nhân phòng mổ với tư cách đứng đầu liên danh có giá trị 78.374.500.000 đồng, giá gói thầu 78.462.800.000 đồng, tiết kiệm 0,12%.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty Thành An liên tiếp trúng 3 gói thầu lớn (2 độc lập, 1 liên danh) với giá trị 200 tỷ đồng với tỷ lệ tiệt kiệm ngân sách dưới 1%.

Tương tự, nhiều gói thầu do Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư cũng có chỉ số tiết kiệm thấp siêu thấp. Cụ thể, tại gói thầu: “Mua sắm thiết bị đợt 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Hòa Bình (Giai đoạn 2)”. Giá gói thầu 7.663.000.000 VNĐ và sau khi nhà thầu CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Hà Thành trúng thầu với giá trúng 7.643.000.000 VNĐ, thì bên mời thầu chỉ tiết kiệm chỉ có 20.000.000 VNĐ.

Theo Bộ KH&ĐT, sự chênh lệch tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu thể hiện rõ giữa các khu vực và các đơn vị trên cả nước. Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, xét theo khu vực địa lý, tỷ lệ tiết kiệm của các tỉnh miền Nam cao nhất, đạt 6,2%, các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung đạt lần lượt 3,73% và 4,89% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tiết kiệm trung bình của cả nước.

Ngoài ra, một số bên mời thầu cố tình đăng tải chưa đúng loại gói thầu theo danh mục phân loại; đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu đính kèm tệp tin quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, báo cáo đánh giá tổng hợp không đọc được hoặc thiếu thông tin, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tìm kiếm thông tin.

Đức Sơn