Doanh nghiệp FDI vẫn đặt niềm tin vào Việt Nam
Sau nhiều tháng suy giảm dòng vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) bỗng tăng trở lại trong tháng 9/2021. Đánh giá khó khăn do Covid-19 chỉ là tạm thời, nhiều doanh nghiệp FDI cho biết, vẫn đẩy mạnh đầu tư, rót thêm vốn, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Tin tưởng chọn Việt Nam
Ngày 19/9 vừa qua, tại Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam) đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam. Đây là dự án thứ hai mà doanh nghiệp (DN) này thực hiện tại Quảng Ninh với quy mô đầu tư lên tới gần 8.400 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà Tập đoàn Jinko Solar Hong Kong đầu tư là khoảng 20.000 tỷ đồng.
Ông Huang Jinxing, Tổng giám đốc Công ty Jinko Solar bày tỏ sự phấn khởi khi tiếp tục đầu tư tại Viêt Nam.
Tập đoàn Nestlé có mặt ở Việt Nam bằng việc thành lập Công ty TNHH Nestlé Việt Nam từ năm 1995. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đạt 730 triệu USD với 3 nhà máy đang hoạt động tại tỉnh Đồng Nai và một nhà máy tại tỉnh Hưng Yên. Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob nhấn mạnh, Việt Nam là điểm đến đầu tư có sức hút mạnh mẽ trong tầm nhìn dài hạn.
“Nền chính trị ổn định là yếu tố hàng đầu thu hút một nhà đầu tư FDI. Không chỉ như vậy, Chính phủ Việt cũng chứng tỏ sự quyết đoán trong điều hành và không ngần ngại đưa ra quyết định mạnh mẽ trong nhiều hoàn cảnh. Thứ hai, vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam với đường bờ biển dài cũng tạo sức hút lớn các nhà đầu tư ngoại” – ông Binu Jacob nói.
Theo vị này, Nestlé đã công bố khoản đầu tư 132 triệu USD trong 2 năm tới nhằm xây dựng nhà máy mới ở Đồng Nai. Không phủ nhận những khó khăn về tăng chi phí sản xuất khi thực hiện “3 tại chỗ”, đứt gãy chuỗi cung ứng trước các biện pháp phòng dịch chặt chẽ của Việt Nam nhưng đại diện Nestlé cho rằng đây chỉ là tình thế trong ngắn hạn. Việt Nam hiện được nhìn nhận là cơ sở sản xuất hàng đầu của tập đoàn này trên thế giới.
Samsung Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam đang sở hữu một môi trường đầu tư hấp dẫn với nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho hay, Samsung đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ cùng các địa phương khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Việc thực hiện “3 tại chỗ” đã giúp các nhà máy không phải đóng cửa, các chuyên gia Hàn Quốc cũng được tạo điều kiện nhập cảnh nhanh chóng.
“Bí kíp” hút đầu tư của các địa phương
Trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch hiện nay, khó khăn chồng chất, nhiều tỉnh, thành phố vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, đồng thời giúp tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Điển hình, Bắc Ninh đang đứng top 7 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, hiện, tỉnh thu hút khoảng 37 quốc gia với 20,4 tỷ USD vốn FDI. Với các cơ chế tạo thuận lợi tối đa cho các DN, Bắc Ninh đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều Tập đoàn lớn như Samsung, Canon...
Chia sẻ về kinh nghiệm được coi là “chìa khoá” để thu hút đầu tư nước ngoài của Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đầu tư thu hút, cấp mới của tỉnh tăng 25% so với cùng kỳ và đạt 88% so với kế hoạch năm 2021. Đa phần các dự án đầu tư vào tỉnh là sản xuất công nghiệp phụ trợ. Dẫn đầu vẫn là các dự án đầu tư từ Hàn Quốc, tiếp theo là Nhật Bản.
Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, về tình hình sản xuất của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư.
Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến khu vực FDI, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã “đánh” trực tiếp vào các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… là những nơi tập trung nhiều DN FDI, khiến các DN bị ảnh hưởng nặng nề, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều DN bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, có DN phải dừng một phần, thậm chí toàn bộ hoạt động.
Trước thách thức đó, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà DN đối mặt vì một mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.