Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi dạy - học trực tuyến

Quang Thành 30/09/2021 09:09

Từ những thực trạng lệch chuẩn đạo đức, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục thời gian qua, chuyên gia giáo dục cho rằng, nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi dạy học trực tuyến và phổ biến cho giáo viên và học sinh. Đồng thời, giáo viên cũng cần được tập huấn các kỹ năng giảng bài trực tuyến và xử lý các sự cố khi lên lớp.

Áp lực dẫn đến lệch chuẩn trong môi trường giáo dục 4.0

Liên tiếp xuất hiện những trường hợp ứng xử chưa phù hợp trong môi trường giáo dục như: Giáo viên xúc phạm chửi bới học sinh "quái thai về tâm hồn và thể xác", học sinh văng tục, đòi “solo” với thầy giáo....

Những sự việc không phải cá biệt liên tiếp xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp và nghiêm trọng ngay trong các lớp học trực tuyến, phần nào cho thấy sự xuống cấp, lệch chuẩn về đạo đức của một số bộ phận thầy cô và học sinh trong môi trường giáo dục 4.0.

Mặc dù một số sự việc cá biệt xảy ra trong môi trường học đường đã được nhà trường, ngành giáo dục địa phương xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính giáo dục, tính nhân văn nhưng những trường hợp như thế này vẫn tạo ra luồng bình luận không tốt, ảnh hưởng tới tâm lý và tình cảm của học sinh, đồng thời cũng gây tổn thương tới danh dự, tâm huyết nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.

Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong môi trường giáo dục nói chung và giáo dục 4.0 nói riêng, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, nhà trường hiện tại có quá nhiều áp lực và mất an toàn.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Giáo viên bị áp lực từ việc hoàn thành các nhiệm vụ giảng dạy, thực hiện các yêu cầu của lãnh đạo và cấp trên, áp lực lương thấp. Trong khi đó, giáo viên phải thích nghi với cách thức làm việc mới, đó là dạy học online, đồng thời cũng phải thay đổi và thích ứng rất nhiều nhiệm vụ mới mà trước đây họ chưa được đào tạo bài bản.

Một nguyên nhân khách quan là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, người giáo viên không còn là nguồn tri thức duy nhất như trước đây nữa. Học trò có nhiều thời gian để tự nghiên cứu có thể giỏi hơn, biết nhiều hơn thầy.

Thế nhưng, nhiều giáo viên chưa thích nghi với vai trò mới này, thấy uy tín và vị trí của mình bị lung lay. Để củng cố uy tín bị lung lay, giáo viên sử dụng các “áp lực” để “tạo uy” với học trò, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn.

Mặt khác, bản thân họ cũng là những con người chịu ảnh hưởng, chịu tổn thương SKTT bởi dịch bệnh. Họ cũng phải đối diện với sự lo âu về dịch bệnh, các nguy cơ đối với thành viên trong gia đình của họ.

Hơn nữa, bản thân người giáo viên cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, quá tải cả về công việc và về mặt sức khỏe tinh thần, dẫn tới những hiện tượng hành xử thái quá của một số giáo viên thời gian qua.

Về phía học sinh, các em hiện nay đang phải chịu quá nhiều áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ, thành tích học tập của nhà trường, danh dự giáo viên dạy giỏi của cô giáo, bị bắt nạt, quấy rối, bị dụ dỗ bởi các tệ nạn xã hội.

“Mỗi cá nhân đều đang chất chứa trong lòng rất nhiều áp lực. Họ như những quả bom chỉ đợi một kích thích quá ngưỡng sẽ nổ tung thành những hành vi phản cảm gây sốc cho xã hội”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Mâu thuẫn, áp lực dẫn đến những biểu hiện hành vi xuống cấp đạo đức như thời gian qua. Tuy nhiên còn rất nhiều tác nhân khác ảnh hưởng dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc học sinh hiện nay tiếp cận với bạo lực khắp mọi nơi từ đời thực đến cuộc sống ảo trên mạng xã hội.

Đây cũng có thể là hệ quả của việc xem nhẹ môn Giáo dục công dân nói riêng và công tác giáo dục đạo đức nói chung. Trường học đường như mới chỉ tập trung vào việc “dạy chữ” còn việc “dạy người” bị xem nhẹ và còn nặng tính hình thức

Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi dạy - học trực tuyến

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, cần phải có các biện pháp quyết liệt hơn để hạn chế, ngăn ngừa những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn của một bộ phận thế hệ trẻ.

Chuyên gia giáo dục cho rằng, giới trẻ hiện nay được coi như những công dân số trong xã hội hiện đại. Họ dễ dàng kết nối trên các nền tảng mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội như một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí và hành vi giới trẻ.

Học sinh văng tục, đòi "solo" với thầy giáo. Nguồn: Facebook.

Cũng vì thế học sinh dễ gặp nhiều rủi ro hơn do thói quen tiếp cận thông tin nhanh và nhiều hơn, nguy cơ bị tiêm nhiễm bởi tin giả, tin thù hận cũng nhiều hơn, dễ làm thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan của họ. Đến thời điểm nào đó, những cảm xúc bị đè nén bên trong bùng nổ, dẫn tới sự lệch lạc, thiếu kiểm soát trong bộc lộ cảm xúc.

Vì thế, theo PGS.TS Trần Thành Nam, để giải quyết vấn đề này cần phối hợp của cả gia đình với nhà trường và xã hội trong việc định hướng những giá trị sống cho thanh niên. “Tuy nhiên, muốn chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn đạo đức đòi hỏi cả sự răn đe nghiêm minh của pháp luật”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi dạy - học trực tuyến và phổ biến cho học sinh, sinh viên cũng như giáo viên. Các nhà trường cần đẩy mạnh công tác quản lý, thiết lập một số quy định cho giáo viên, sinh viên khi dạy, học online. Đồng thời, các giáo viên, giảng viên cần được tập huấn các kỹ năng giảng bài trực tuyến và xử lý các sự cố khi lên lớp.

Bàn về giải pháp về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, tất cả những quy định hay các bộ quy tắc ứng xử đều đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Tuy nhiên, trước hết, bản thân những người thầy cần phải có những hành xử gương mẫu, tự trau dồi đạo đức và phẩm chất của mình, đặc biệt là biết kiềm chế để những xung đột giữa thầy và trò không bùng phát, nổ tung ra.

Học sinh thường chỉ ứng xử theo bản năng, thiếu kiềm chế, chỉ cần thấy bức xúc hay bực mình với điều gì thì dễ dàng phản ứng ngay lập tức. Vì vậy, sứ mệnh của người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn phải giúp học sinh phát triển nhân cách, lối sống. Người giáo viên cần nắm bắt được tâm lí đó để kiềm chế lại, mà tốt nhất là phải dạy cho trẻ từ sớm những giá trị về yêu thương, về khoan dung và tôn trọng người khác.

Theo ông Lâm, hiện nay, một số giáo viên vẫn sống rất “hồn nhiên”, họ chỉ lo giảng hết kiến thức chứ không lo đến việc ứng xử hay giúp đỡ học trò về tư duy, lối sống, cách suy nghĩ. Đó là một thiếu sót rất lớn.

Cũng không thể đổ lỗi cho các trường đào tạo sư phạm, lỗi đầu tiên phải thuộc về giáo viên bởi những người thầy thực sự có tâm với nghề sẽ tự đi tìm cách để thuyết phục và “chiếm lĩnh” được học trò. Họ tự trau dồi, học tập và bồi dưỡng cho mình những kĩ năng đó.

Mỗi một hoàn cảnh, mỗi một lớp học lại có những văn hóa riêng, đặc thù riêng của nó. Tương tự, mỗi nhóm học sinh cũng có cá tính riêng, nên người thầy phải nắm bắt được để có kịch bản ứng xử phù hợp.

Trong một số trường hợp, nếu nhận thấy mình có lỗi hay hành xử không đúng, người thầy cũng cần biết xin lỗi học trò. Mỗi người thầy phải ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với học trò chứ không phải thắng thua với chúng. Như một cô giáo đã từng nói, làm cái nghề này, không có chuyện thắng thua mà chỉ có niềm ân hận và sự tự hào.

Cũng phải nói thêm đến vai trò của Hiệu trưởng trong công tác đào tạo giáo viên, biết giáo viên nào thiếu năng lực sư phạm để biết cách hỗ trợ, bồi dưỡng để xây dựng nhà trường thành một tập thể có văn hóa…

Quang Thành