‘Giải cứu’ ngành hàng không

H.Hương 30/09/2021 07:26

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ. 

Các hãng bay đồng loạt kêu cứu

Tại cuộc họp giữa NHNN với các doanh nghiệp (DN) hàng không và các ngân hàng thương mại vừa mới diễn ra, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Cụ thể doanh thu ngành hàng không từ cuối tháng 5 đến nay giảm 80 - 90%. Hiện các đường bay thương mại trong nước và quốc tế đều bị dừng. Tổng nhu cầu cần hỗ trợ của các hãng bay là 30.000 tỷ đồng bởi, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất cả nước đã lên tới 36.000 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, các hãng hàng không đề xuất 2 gói vay như sau: Thứ nhất, đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Thứ hai, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn là 3 - 4 năm.

Bên cạnh đó Hiệp hội này mong muốn Chính phủ và Quốc hội xem xét cho các hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như gói vay của Vietnam Airlines (VNA), để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, giúp các hãng hàng không giải quyết vấn đề thanh khoản.

Các hãng hàng không cũng cho biết, nhu cầu tín dụng để trang trải các khoản nợ rất lớn. Chẳng hạn VNA cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền. Hãng hàng không Vietjet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng trên 10.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với VNA và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian 3 - 4 năm. Hãng hàng không Bamboo Airways đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng với VNA và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất, điều kiện ưu đãi…

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các tổ chức tín dụng (TCTD) là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Riêng đối với Vietnam Airlines, các TCTD gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), đã thực hiện giải ngân cho hãng này theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết của Chính phủ.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục bám sát tình hình, lắng nghe các kiến nghị của DN để kịp thời có các điều chỉnh quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và đảm bảo an toàn hệ thống.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Không chỉ hỗ trợ cho các DN hàng không mà Vietcombank còn hỗ trợ DN trong hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không như DN cung cấp dịch vụ mặt đất, cấp nhiên liệu hàng không, dịch vụ với các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất... Đến nay Vietcombank cấp tín dụng cho các DN hàng không và hệ sinh thái lên đến 16.000 tỷ đồng...

“Cứu” thế nào cho công bằng?

Trước sức ảnh hưởng nghiêm trọng từ Covid-19, “sức khỏe” của cộng đồng DN đã yếu đi rất nhiều. Nói như Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thì, ngành ngân hàng cũng là một ngành kinh tế, ngân hàng cũng là DN và các ngân hàng cũng rất khó khăn. Việc cứu trợ là cấp thiết tuy nhiên cần đảm bảo sự công bằng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Quốc Bảo, muốn nhận được các gói hỗ trợ, VNA và các hãng bay khác phải có những điều kiện ràng buộc. Các hãng bay phải cắt giảm những khoản chi phí không cần thiết, thanh lý dự án, phải tự làm sạch một số khoản mục về tài chính... Ngoài ra, các hãng bay cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động và có những kế hoạch trong trung và dài hạn, đón đầu sự hồi phục.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong tình huống bắt buộc phải lựa chọn một số đối tượng để “giải cứu” theo hướng có trọng tâm, trọng điểm do nguồn lực có hạn. Theo đó, cần đưa ra các tiêu chí phù hợp như: DN có triển vọng phục hồi tốt, có năng lực cạnh tranh và chống chịu, thuộc ngành hàng ưu tiên hay thiết yếu, các DN lớn có đóng góp và có ảnh hưởng lớn ở thị trường, vì DN lớn mà đổ vỡ có thể kéo theo nhiều đổ vỡ khác trên thị trường.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu quan điểm, để được nhận hỗ trợ, Chính phủ và các cơ quản lý cần yêu cầu, quy định bắt buộc các DN hàng không phải đáp ứng được những điều kiện ngắn hạn và dài hạn, nhất là khi các điều kiện này giúp cho các DN và toàn ngành nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định hàng không là lĩnh vực đặc biệt liên quan tới an toàn bay, tới an ninh quốc gia… Do đó, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tạo điều kiện cho các hãng vay vốn ngân hàng. Ông Tú đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cho vay ưu tiên. Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 mà diễn biến còn khó khăn, thì sẽ tiếp tục điều chỉnh các thông tư để hỗ trợ tiếp.

H.Hương