Sức hút ngành sư phạm: Đãi ngộ có phải là then chốt?

NGUYỄN HOÀI 30/09/2021 07:19

Mùa tuyển sinh năm nay nhóm ngành sư phạm hút thí sinh. Một trong số nguyên nhân là do tác động của Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục những chính sách hỗ trợ của nghị định chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Để hút người giỏi lựa chọn ngành sư phạm - ngành vốn từ nhiều năm nay gặp khó trong công tác tuyển sinh, các trường sư phạm không thể đứng yên.

Qua thời “chuột chạy cùng sào”

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong số 265 mã ngành tuyển sinh có điểm chuẩn tăng 5 điểm trở lên của mùa tuyển sinh năm 2021, nhóm ngành sư phạm vươn lên bất ngờ ở vị trí thứ 2 với 64 ngành.

Nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra một trong số nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên sư phạm của Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bắt đầu được áp dụng từ năm nay. TS Trần Thị Hà Giang, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội nhận định, đây là chính sách tác động mạnh tới sự lựa chọn của nhiều thí sinh, đặc biệt là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đỗ Bảo Ngọc (quê Thái Nguyên) - tân sinh viên khoa Sinh học, chuyên ngành Sư phạm Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, ban đầu Ngọc có ý định đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Y Thái Nguyên nhưng đến phút cuối em lại quyết định đăng ký nguyện vọng vào trường sư phạm. Ngọc thừa nhận, chính sách đãi ngộ với ngành sư phạm ảnh hưởng lớn tới quyết định chọn nghề của em.

Nhìn lại những mùa tuyển sinh trước, đã có thời điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, thậm chí một số trường sư phạm phải tuyển “vớt” nhóm “cùng sào” mà vẫn không đủ người học. Trước kết quả của mùa tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, mức điểm chuẩn một số nhóm ngành trong đó có ngành sư phạm tăng mạnh là tín hiệu đáng mừng cho thấy xu hướng chọn ngành, chọn nghề của thí sinh hiện nay đã được cân nhắc kỹ.

Kết quả này cũng thể hiện nghề giáo đã được nhiều người quan tâm hơn. Tuy nhiên, GS TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên sư phạm chỉ là giải pháp tình thế.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí; được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Đây là sự đầu tư không nhỏ, cho thấy sự quan tâm hàng đầu của Nhà nước đối với ngành sư phạm. Song ông Dong nêu quan điểm: “Dùng vật chất để thu hút người học lựa chọn nghề giáo không phải là chính sách mới và cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Để khuyến khích người tài lựa chọn ngành sư phạm cần phải có những giải pháp tổng thể hơn”.

Số liệu thống kê của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho thấy, năm 2020 có khoảng 3.000 nguyện vọng đăng ký vào 8 ngành đào tạo giáo viên của trường, trong khi năm 2021 tăng lên 7.000 nguyện vọng. Bên cạnh chính sách đãi ngộ, TS Trần Thị Hà Giang cũng cho rằng, uy tín đào tạo của chính cơ sở đào tạo là một trong những yếu tố quyết định thu hút người học đến với ngành sư phạm.

Thầy giỏi, trò mới giỏi

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, muốn người tài quan tâm, lựa chọn ngành sư phạm nhiều hơn đòi hỏi các trường không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, cần có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên. Đồng thời đổi mới, phát triển chương trình đào tạo, nội dung chương trình phải tiếp cận được với các chương trình giáo dục của những nước tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay.

Theo tìm hiểu, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường đại học hiện nay đã mở thêm ngành đào tạo các môn tích hợp. Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xây dựng chương trình đào tạo chính quy dạy các môn mới, tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THCS (môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học Tự nhiên).

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), một trong những nội dung đổi mới mà nhà trường chú trọng từ khóa 2020 là tăng mạnh thời gian và yêu cầu về rèn nghề sư phạm. Từ năm thứ hai, kéo dài đến gần hết năm thứ 4, sinh viên không chỉ kiến tập mà còn phải thực hành rèn nghề với nhiều yêu cầu về hoạt động và sản phẩm.

Song hành với đó là rèn luyện đạo đức nhà giáo. Nếu như trước đây, nội dung này chỉ có một học phần, gói gọn trong một học kỳ thì nay nhà trường thiết kế theo dạng học qua trải nghiệm và thực hiện các hoạt động, sản phẩm theo yêu cầu. Các nội dung này được thực hiện trong cả 8 học kỳ và liên tục có các đánh giá. Theo ông Thanh “đây mới thực sự là quá trình rèn nghề”.

Chất lượng của các trường sư phạm có vai trò rất lớn trong việc quyết định chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Nói như GS TS Phạm Tất Dong, thầy giỏi trò mới giỏi. Sinh viên sư phạm phải có tình yêu với giáo dục, coi nghề giáo là hình mẫu để học tốt, rèn luyện đạo đức tốt và để truyền tải được điều đó nhà trường phải là cái nôi đào tạo lý tưởng đối với người học.

NGUYỄN HOÀI