Thực hiện ‘mục tiêu kép’ linh hoạt trong bối cảnh mới
Ngày 29/9, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nghe và thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022. Vấn đề được đặt ra là cần xác định mục tiêu ưu tiên để có giải pháp ưu tiên trong kế hoạch năm 2022, tránh dàn trải.
Lạm phát được kiểm soát dưới 4%
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 có 8 điểm nhấn. Theo đó đã chuẩn bị tốt nhất và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp khóa XV, phê chuẩn và kiện toàn các chức danh chủ chốt, quan trọng của Nhà nước, quyết định và thông qua các kế hoạch 5 năm 2021-2025 về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) và đầu tư công trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” linh hoạt trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững, thu NSNN ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Theo ông Phương, các hoạt động văn hóa, xã hội được tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ, trực tuyến. Đặc biệt, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được tăng cường. Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh tình hình dịch bệnh, nhất là ngoại giao vaccine; tăng cường hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Phương, dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Gồm tốc độ tăng trưởng GDP ước 3,5-4% (mục tiêu là 6%) tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước 3,7% (mục tiêu là 4,8%) tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước 28% (mục tiêu từ 45-47%)và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 0,5-1% (mục tiêu 1-1,5%).
Ông Phương cũng chỉ rõ, còn tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các thị trường tài chính, bất động sản chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn chủ quan, lơ là, chưa quán triệt đầy đủ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; tổ chức triển khai các giải pháp chưa thống nhất, chưa quyết liệt, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách. Lượng vaccine tiếp nhận chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở.
Xây dựng kịch bản từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nên chăng có 2 phương án kịch bản cho GDP và các chỉ tiêu khác để chủ động ứng phó. Theo đó cần xác định mục tiêu ưu tiên để có giải pháp ưu tiên trong kế hoạch năm 2022, không nên xác định mục tiêu dàn đều như các năm trước.
Ông Hùng kiến nghị: Chính phủ đã chuyển dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn cứng nhắc trong chống dịch, vì thế cần đưa mục tiêu trên vào kế hoạch năm sau để thống nhất quan điểm và thống nhất trong thực hiện.
Theo đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa), ngoài gói an sinh xã hội cần sớm nghiên cứu gói hỗ trợ phục hồi sản xuất, đây là nội dung hết sức quan trọng, trong khi hiện cổ phần hoá doanh nghiệp rất chậm. Đây là tồn tại yếu kém kéo dài, đến thời điểm này không đạt yêu cầu đề ra. Ông Hải cũng cho rằng: Thu ngân sách dự kiến đạt rất thấp, do đó Chính phủ cần giải pháp rất quyết liệt bởi đây là nguồn thu rất quan trọng cho ngân sách Trung ương.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nhìn tổng thể trong điều kiện khó khăn nhưng hệ thống tài khoá vẫn đảm bảo cân đối lớn, đáp ứng nhu cầu thu chi, thu vẫn vượt dù ngân sách Trung ương khó đạt. Theo ông Lâm, việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp rất quan trọng nhưng vấn đề cần quan tâm là có đáp ứng đủ tiêu chuẩn các khoản vay? Đó là mấu chốt và cần xem “nút thắt” thực sự ở đâu.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) đặt vấn đề: Dịch bệnh còn tác động trong dài hạn. Một số nơi phòng dịch đã tác động lớn đến người dân, nhất là những người nghèo. Do đó trong chính sách hỗ trợ cần phân nhóm. Ví dụ hoạt động của 1 doanh nghiệp sản xuất chè tác động đến hàng ngàn hộ dân, người lao động. Chè cứ đến mùa là phải hái, vốn thì không có nên doanh nghiệp phải mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Nhưng giờ hàng không xuất được, không có doanh thu, không có thuế phát sinh do đó điều doanh nghiệp cần chính là hỗ trợ bằng tiền mặt. Đó là sự hỗ trợ thiết thực.