Liên hoan Kịch nói toàn quốc: Có nên tổ chức khi còn dịch?

Minh Quân - Cao Ngọc 30/09/2021 07:28

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có thông báo, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 sau nhiều lần bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được tổ chức tại thành phố Hải Phòng vào tháng 11 này. Thông tin trên đưa ra, đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ những người làm nghề.

Ngổn ngang bất cập

Theo kế hoạch, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 sẽ diễn ra theo hai hình thức. Trong đó, các đơn vị tham gia liên hoan sẽ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu từ ngày 6 đến 18/11. Tuy nhiên, trong trường hợp các đơn vị không tới biểu diễn trực tiếp sẽ tham gia theo hình thức trực tuyến từ ngày 28/10 đến 4/11.

Trước thông tin trên, rất nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự băn khoăn liệu liên hoan có đạt được hiệu quả và chất lượng nghệ thuật như kỳ vọng khi Ban tổ chức đưa ra hình thức kết hợp giữa biểu diễn trực tiếp và trực tuyến? Mục đích tổ chức của liên hoan là gì, khi diễn biến của dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa hoàn toàn được kiểm soát triệt để? Có vẻ, “sân chơi” vốn luôn có những điều tiếng về sự không công bằng ở những lần tổ chức trước vẫn đang loay hoay làm mới chính mình. Ở đó, những nghệ sĩ làm nghề đều thừa nhận có sự chênh lệch giữa các tiết mục biểu diễn trực tiếp diễn trên sân khấu và trình diễn qua nền tảng trực tuyến. Và đây rõ ràng không phải là tiêu chí cho một liên hoan nghệ thuật cấp toàn quốc.

Bên cạnh đó, những người làm tổ chức dường như cũng chưa tính tới những tâm tư, tình cảm của giới nghệ sĩ sân khấu tại TP HCM, nơi có tới hơn chục đơn vị nghệ thuật xã hội hóa. Hiện họ đang rất vất vả để giữ sức khỏe, bình an qua mùa dịch. Thậm chí, đợt dịch vừa qua đã lấy đi tính mạng của một số nghệ sĩ sân khấu. Thử hỏi liệu các nghệ sĩ lúc này có còn “hoan hỉ” để tham gia liên hoan? Thêm nữa, các đơn vị diễn trực tiếp chắc hẳn cũng vẫn phải giữ đúng quy định 5K của Bộ Y tế, liệu có còn giá trị đích thực của sân khấu khi không có khán giả, thiếu đi sức sống của sự giao lưu giữa người diễn và người xem.

Còn với những đơn vị có nguyện vọng tham gia theo hình thức trực tuyến thì theo nguyên tắc không phải là quay hình nguyên vở diễn rồi phát lại cho ban giám khảo xem. Nhưng nếu diễn trên hình thức “nhà hát online” đòi hỏi quy tụ nhiều diễn viên thì các đơn vị sẽ không đảm bảo nguyên tắc 5K. Chưa kể, nhiều đơn vị hiệu nay đang thiếu thốn về điều kiện kỹ thuật nên việc biểu diễn “trực tuyến” khó đạt được hiệu quả về âm thanh, ánh sáng và hình thức dàn dựng như mong đợi của đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo. Nhất là với những cách xử lý, tạo ra những nét mới mẻ cho các tác phẩm tham gia liên hoan. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ cũng cho rằng, cách làm này không thể đem lại hiệu quả tích cực bởi một vở diễn truyền hình đòi hỏi thời gian quay nhiều ngày, xử lý kỹ thuật trung, toàn, cận… một cách thành thục mới đem tới hiệu quả tương đối. Nếu chỉ với một góc máy cố định, làm sao để chuyển tải được cảm xúc cần thiết của nhân vật. Với nghệ sĩ, biểu diễn thiếu khán giả đã khó, biểu diễn theo hình thức trực tuyến càng khó hơn.

Có nên vội vàng tổ chức?

Có thể nói, việc tổ chức một liên hoan, cuộc thi sân khấu trong thời điểm này đang vướng phải nhiều ý kiến trái chiều cả về tình và về lý. Theo NSƯT, đạo diễn Tạ Tuấn Minh - Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, biểu diễn theo cách thức trực tuyến sẽ làm mất đi rất nhiều tính sân khấu, khi mà nghệ sĩ biểu diễn thiếu sự tương tác với khán giả.

Đạo diễn Tạ Tuấn Minh cũng bày tỏ, thật khó để nói tới sự công bằng trong thi trực tuyến vì phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật chứ không phải diễn xuất. Diễn mà thiếu khán giả khiến người nghệ sĩ thiếu đi lửa nghề cần thiết để thăng hoa nhờ vào tương tác với công chúng. Đấy là chưa kể sẽ làm mất đi đặc trưng riêng có của sân khấu khi có những ngẫu hứng sáng tạo. Mỗi đêm diễn đều là một lần sáng tạo riêng biệt, không có sự trùng lắp lại trong cùng một câu thoại, cùng một tình huống diễn do cảm xúc đem lại ở đúng thời khắc đó. Chưa kể, với sân khấu, do bối cảnh diễn xa, cần thiết để khán giả hiểu, thấy rõ hành động bên trong (tâm tư tình cảm của nhân vật) và hành động kịch, mà người diễn đôi khi làm quá lên một chút, trong khi với hình thức quay lại, ghi lại thì phải … giảm đi rất nhiều. “Nếu diễn như cách trực tuyến, chất lượng nghệ thuật chỉ còn chừng 40% chứ đừng nói tới chất lượng nghệ thuật cao” - Đạo diễn Tuấn Minh nhìn nhận.

Đồng quan điểm, nhà báo Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TPHCM cũng cho rằng, trước tình hình diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đồng ý mỗi địa phương có cách ứng phó và đạt hiệu quả riêng. Nhưng Liên hoan Kịch nói toàn quốc là sân chơi mang ý nghĩa khoe tài của một loại hình nghệ thuật thể hiện góc nhìn của người nghệ sĩ trước bối cảnh xã hội. Trước hết việc tổ chức liên hoan trong thời điểm này là quá vội, tổ chức theo hình thức trực tuyến lại càng không ổn.

Nhà báo Thanh Hiệp cũng thẳng thắn bày tỏ, mới đây một vị đại diện Ban tổ chức cho rằng, nếu không có dịch bệnh thì TPHCM cũng hiếm khi tham gia liên hoan. Điều này nên xem lại cách tổ chức của Cục Nghệ thuật Biểu diễn? Vì người làm nghề tại TP HCM có rất đông nghệ sĩ kịch tài năng, nhiều sân khấu xã hội hoá mà họ thờ ơ trước “sức hút” của liên hoan thì cần xem lại việc tổ chức? Vấn đề đặt ra là hiệu quả nghệ thuật từ liên hoan được tổ chức không thích hợp. “Cần lùi lại cho đến khi dịch bệnh thật sự được kiểm soát. Liên hoan rất cần những vở diễn phản ảnh đúng tính thời sự xã hội khi mà toàn dân đã chung sức cùng Đảng, cùng Nhà nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch” - nhà báo bày tỏ.

Ở các cuộc thi, liên hoan trước, Ban tổ chức đều nhắc tới một mục đích là để các anh chị em diễn viên được giao lưu, học hỏi, trao đổi nghề nghiệp với nhau. Sau đó mới là mục đich thi thố, giành huy chương để được khoe với bạn nghề thành tích phấn đấu những năm vừa qua. Vậy nếu tổ chức theo hình thức trực tuyến, mục đích chính đã bị bỏ quên… Nếu vậy thì thật đáng buồn, vì mọi hoạt động nghệ thuật mà không hướng tới đích là đánh dấu bước trưởng thành của nghệ sĩ, của nền sân khấu nước nhà thì đều là không chính đáng.

Minh Quân - Cao Ngọc