Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 10
Tổ chức tín dụng chỉ được mua tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng; doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ mới; quy định mới về đăng kiểm ô tô...là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2021.
Quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2021.
Thông tư yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp và thường xuyên thực hiện việc thu thập, khai thác thông tin, số liệu về khách hàng, bao gồm cả thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), công ty thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật để theo dõi, đánh giá tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng sau khi đã xếp hạng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, có biện pháp quản lý rủi ro, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp; thực hiện tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định.
Ít nhất mỗi tháng một lần, trong 7 ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề, trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho CIC.
Tổ chức tín dụng chỉ được mua tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng
Theo Thông tư số 12/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 27/10.
Hướng dẫn sử dụng kinh phí nhà nước hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 64/2021/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021.
Theo Thông tư, nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa gồm: Nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp; nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật; nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Thông tư cũng nêu rõ về nội dung và mức chi chung phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa. Đối với các nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn thì định mức chi thực hiện theo quy định hiện hành, gồm: Kinh phí tổ chức các hội nghị chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí trong nước; đi công tác nước ngoài; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; chi làm đêm, thêm giờ phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa; chi hoạt động kiểm tra, giám sát.
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo Nghị quyết, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Nguồn kinh phí: khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Quân nhân chuyên nghiệp nghỉ phép năm theo chế độ
Theo quy định tại Thông tư 109/2021/TT-BQP của Bộ Quốc Phòng thì kể từ ngày 10/10/2021, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng khi nghỉ phép năm sẽ được nghỉ thêm như sau:
Thứ nhất, nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm nếu: Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên; Đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở Nhà giàn DK1; Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên (Quy định mới).
Thứ hai, Nghỉ thêm 5 ngày mỗi năm nếu: Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; Đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực; hoặc đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và có hệ số khu vực từ 0,5 trở lên (hiện hành quy định phải đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7).
Đồng thời, thời gian đi đường sẽ không tính vào số ngày nghỉ phép đối với trường hợp được nghỉ thêm như hiện nay.
Quy định mới về đăng kiểm ôtô
Kể từ ngày 01/10/2021, các quy định về đăng kiểm xe cơ giới sẽ được thực hiện theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, sẽ có thêm trường hợp ô tô bị cảnh báo đăng kiểm. Cụ thể, bên cạnh trường hợp cảnh báo với xe vi phạm hành chính đã trễ hạn giải quyết tại Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì bổ sung thêm 3 trường hợp sau đây: Xe có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng; Xe cơ giới thanh lý không có thông tin trong cơ sở dữ liệu sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, kiểm định đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, sau đó đơn vị xác minh hồ sơ phương tiện không phù hợp với xe thực tế; Xe của các tổ chức được phép tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thì sau khi lập Hồ sơ phương tiện, các đơn vị đăng kiểm gửi thông tin phương tiện về Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định.
Các trường được đạo tạo thạc sĩ trực tuyến khi có thiên tai, dịch bệnh
Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Trong đó, Bộ GD&ĐT đã bổ sung các quy định mới về việc tổ các lớp học trực tuyến khi đào tạo trình độ thạc sĩ.
Cụ thể, trong điều kiện bình thường, các cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; bảo đảm chất lượng không thấp hơn so với các lớp học trực tiếp.
Còn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.