Hân hoan trở lại trường
Sau một thời gian học trực tuyến (online) để đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, học sinh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bắt đầu trở lại trường. Niềm vui rạng ngời không chỉ đối với các em, mà đối với cả thầy cô, gia đình, và xã hội.
1. Ngày 20/9 có thể ví như một ngày hội đến trường ở tỉnh Kon Tum, khi mà học sinh được trở lại trường học trực tiếp sau 2 tuần triển khai học trực tuyến. Ngay từ sáng sớm các em học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đăk Rơ Wa (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum) hân hoan, rạng ngời đến trường sau một thời gian học tập theo nhóm nhỏ. Ông Phan Đình Kiên, Hiệu trường nhà trường cho biết, năm học này toàn trường có 899 học sinh. Trong đó, cấp Tiểu học 552 em, Trung học cơ sở có 347 học sinh, đa số các em học sinh đều là đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thầy Kiên, trong 2 tuần đầu của năm học 2021-2022, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trực tuyến của nhà trường và học sinh không đảm bảo. Do đó, nhà trường xin ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố, Sở GDĐT Kon Tum để tổ chức dạy học theo từng nhóm nhỏ. Mặc dù học theo nhóm, nhưng giáo viên và học sinh vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Còn bà Phan Thị Đông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Kon Tum) cho biết, năm học này toàn trường có 1.065 học sinh. Sau khi khai giảng năm học qua truyền hình, các em học sinh học theo hình thức trực tuyến. Do đó, việc quan tâm, hướng dẫn học sinh học tập gặp nhiều khó khăn. Sau 2 tuần học trực tuyến, hôm nay ngày 20/9, các em học sinh được đến trường học trực tiếp. Trong quá trình học trực tiếp nhà trường chia ca, chia lớp… nhằm giãn cách học sinh, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
2. Tương tự như tỉnh Kon Tum, ngày 20/9, hàng nghìn học sinh mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tập trung đến trường học tập trong điều kiện bình thường. Dịp này, Thừa Thiên - Huế có 420/570 trường học mở cửa trở lại.
Cô giáo Cao Thị Thanh Tuyết - chủ nhiệm lớp 4/1 Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Huế) không giấu được niềm vui khi được trở lại trường học để dạy trực tiếp cho các em. “Chúng tôi cảm thấy rất hào hứng và phấn khởi. Sau nhiều ngày học online nay được trở lại để dạy học trực tiếp, qua đó mình có thể lắng nghe được ý kiến của học sinh nhiều hơn, ngoài ra khi dạy học trực tiếp thì mình có thể tương tác, nắm rõ học lực của các em, từ đó giúp các học sinh đạt hiệu quả tốt hơn trong học tập”, cô Tuyết chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết, vùng nào không bị giãn cách, không bị phong toả sẽ thực hiện học tập trung ở trường nhưng phải đảm bảo an toàn 100% về công tác phòng dịch. Còn các trường nằm trong vùng không an toàn thì vẫn phải học online và học trực tuyến, theo dõi tình hình thực tế tại các địa phương để có quyết định cụ thể”.
Cũng trong sáng 20/9, trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) cũng hân hoan trở lại trường. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thành phố Thanh Hóa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 2/9 - 15/9. Vì thế, học sinh phải tạm dừng đến trường trong vòng 2 tuần. Bây giờ, học sinh, giáo viên được trở lại trường lớp, ai cũng háo hức, vui mừng. Các bậc phụ huynh cũng vui, vì thời gian các con phải ở nhà tránh dịch, là những ngày khó khăn, cuộc sống và sinh hoạt của gia đình bị xáo trộn...
Để bảo đảm sự an toàn cho trẻ mầm non và học sinh khi đến trường, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu, đối với bậc tiểu học chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày, không tổ chức bán trú. Yêu cầu các nhà trường chưa được tổ chức dạy thêm, học thêm…
3. Trở lại trường là niềm vui, sự hân hoan đối với thầy trò, các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội. Nhưng cũng không được chủ quan, lơ là bởi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc trong khi vẫn chưa có vaccine để tiêm cho học sinh. Chính vì thế, các sở GDĐT đã có công văn yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị (máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, xà phòng...). Duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường lớp theo quy định.
Yêu cầu cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”. Phối hợp với phụ huynh học sinh để nắm bắt việc đi lại, giao tiếp của học sinh, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng học sinh đã tiếp xúc với người đang thuộc diện cách ly hoặc có biểu hiện ho, sốt, khó thở mà vẫn đến trường. Kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương và phối hợp với ngành Y tế để xử lý.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên-Huế, cho biết: Vùng nào không bị giãn cách, phong tỏa sẽ tổ chức học tập trung ở trường nhưng phải đảm bảo an toàn 100% về công tác phòng dịch. Các trường nằm trong vùng không an toàn vẫn phải học online và trên truyền hình, theo dõi tình hình thực tế tại các địa phương để có quyết định cụ thể. “Tất cả trường trên địa bàn Thừa Thiên-Huế đều chủ động phương án để bảo đảm cho học sinh an toàn khi đến trường. Sở sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em có thể tiếp cận với chương trình học tập”, theo ông Tân.
Còn trên địa bàn tỉnh Kon Tum, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh khi học trực tiếp các trường thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Bên cạnh đó, các trường chia ca, chia lớp… đảm bảo giãn cách giữa học sinh các lớp nhằm phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra nhà trường cũng phối hợp với già làng, thôn trưởng tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trở lại trường là niềm vui, sự hân hoan đối với thầy trò, các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội. Nhưng cũng không được chủ quan, lơ là bởi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc trong khi vẫn chưa có vaccine để tiêm cho học sinh.