Cao Bằng và bài toán thiếu giáo viên
Năm học mới 2021-2022, ngoài việc thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) vẫn phải đối mặt và tìm cách khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là 2 cấp học mầm non và tiểu học.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện về tình hình thiếu giáo viên, đồng thời tham mưu, đề xuất phương án chủ động bố trí giáo viên, đảm bảo điều kiện cho các cơ sở giáo dục.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm Ma Thế Trung cho biết, thiếu giáo viên là nỗi lo chung của các trường học trong huyện. Năm học này, huyện có 44 trường, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trong đó, có 14 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 2 trường Trung học cơ sở, 5 trường Phổ thông cơ sở, 6 trường phổ thông dân tộc bán trú; với quy mô 830 lớp, 17.943 học sinh.
Về cơ sở vật chất, có 961 phòng học, trong đó có 870 phòng học kiên cố, bán kiên cố, 77 phòng học tạm, 14 phòng học nhờ. Hiện bậc Trung học cơ sở có 9/13 trường có phòng môn Tin học, 1/13 trường có phòng học môn Ngoại ngữ, 3/13 phòng học bộ môn thực hành. Nếu tính theo thực tế thì huyện còn thiếu 238 biên chế so với định mức quy định, trong đó bậc mầm non còn thiếu 172 giáo viên; tiểu học thiếu 110 giáo viên; Trung học cơ sở thiếu 61 giáo viên.
Đáng chú ý, thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện còn thiếu 33 giáo viên môn Tiếng Anh, 36 giáo viên môn Tin học. Ngoài ra, các trường còn thiếu 23 biên chế là nhân viên văn thư, kế toán, thiết bị - thư viện, y tế trường học.
Từ năm 2019 đến nay, huyện chưa bổ sung đủ biên chế giáo viên theo tổng số biên chế được giao. Trong khi đó, năm 2020 có 90 giáo viên trong huyện chuyển vùng công tác ra khỏi huyện; năm nay dự kiến lại có 95 giáo viên xin chuyển vùng, trong khi chỉ có chưa tới 10 giáo viên đến công tác tại huyện.
Về khó khăn của trường học huyện Bảo Lâm, có thể nêu một ví dụ, đó là Trường Phổ thông cơ sở xã Thái Sơn, nằm cách trung tâm huyện gần 30 km. Ban Giám hiệu nhà trường cho biết: Trường có 1 điểm trường chính, 3 điểm trường lẻ đặt tại các xóm Nặm Trà, Lũng Chang, Lũng Vài. Năm học 2021-2022, nhà trường có 22 giáo viên biên chế, với 23 lớp học, 550 học sinh. Theo định mức, trường còn thiếu 14 giáo viên biên chế, gồm 9 giáo viên bậc THCS, 5 giáo viên bậc tiểu học. Riêng môn ngoại ngữ (Tiếng Anh) thì giáo viên phải “dạy tràn” từ bậc Tiểu học lên Trung học cơ sở. Môn Tin học thì triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới có nguy cơ “bị treo” do thiếu giáo viên.
Tương tự như ở xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm còn có nhiều điểm trường cách xa trung tâm, gặp rất nhiều khó khăn, trong dó có thể kể các điểm trường Lũng Kim (xã Quảng Lâm), Lũng Mần (xã Đức Hạnh), Sáng Xoáy (xã Thái Sơn), Khau Noong (xã Thạch Lâm), Phja Cò 1, Phja Cò 2, Phiêng Hang (xã Nam Cao)...
Được biết, nhiều trường ở huyện Bảo Lâm đã phải thực hiện giải pháp ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên trong khi chờ được bổ sung biên chế mới. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có Thông báo số 2328 về nhu cầu tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm 2021 với nhu cầu cần tuyển 290 chỉ tiêu. Trong đó, giáo viên mầm non 33 chỉ tiêu; giáo viên tiểu học 98 chỉ tiêu; giáo viên Trung học cơ sở 101 chỉ tiêu; giáo viên Trung học phổ thông 50 chỉ tiêu; giảng viên 1 chỉ tiêu; viên chức thiết bị, thư viện 7 chỉ tiêu. Thời gian tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển cho tới hết ngày 6/10/2021.