Bộ Công Thương dự kiến trình Thủ tướng dự thảo Quy hoạch điện VIII vào đầu tháng 10
Theo Bộ Công Thương, ngày 3/10 Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII sẽ thẩm định và nếu bỏ phiếu thông qua Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các ý kiến, góp ý của thành viên hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo.
Dự kiến trình Thủ tướng Dự thảo Quy hoạch điện VIII vào đầu tháng 10
Chiều ngày 30/9, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thươn), ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết vừa qua Bộ đã có văn bản gửi các bộ ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với báo cáo quy hoạch điện 8 sau khi đã rà soát.
Theo đó, trong tháng 5, 6, 7 Bộ Công Thương đã rà soát, cập nhật thông tin về lộ trình Quy hoạch điện VIII và đến 30/8 Bộ đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, công ty hoạt động trong ngành năng lượng, lấy ý kiến về dự thảo sau khi rà soát lộ trình.
"Ngày 3/10, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII sẽ thẩm định và nếu bỏ phiếu thông qua Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các ý kiến, góp ý của thành viên hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo. Hy vọng đầu tháng 10/2021 chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII để phê duyệt trong năm nay", ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.
Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết kỳ vọng đầu tháng 10 tới có thể trình Thủ tướng để phê duyệt trong năm nay.
Vấn đề giá FIT của điện gió
Liên quan vấn đề giá FIT (giá mua điện ưu đãi, cố định trong 20 năm) của điện gió, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết tính đến tháng 8/2021 cả nước có khoảng 106 dự án điện gió kịp vận hành thương mại để hưởng giá FIT, trong đó có 54 dự án thuộc đang xem xét bao gồm 30 dự án đã nhận được hồ sơ, thủ tục.
Theo ông Dũng, nhiều chủ đầu tư đã nỗ lực để có thể đưa dự án kịp tiến độ hưởng giá FIT, tuy nhiên, trong thời gian qua, đơn vị cũng đã nhận được rất nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, các chủ đầu tư kéo dài thời gian hưởng giá FIT vì tiến độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với luật đầu tư, luật đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan.
"Trong tương lai chúng ta sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, việc xác định giá sẽ trên nguyên tắc thương thảo giữa chủ đầu tư và bên mua điện theo khung giá Bộ Công Thương quy định
Trong cơ chế chúng tôi đang xây dựng có xem xét các dự án thực hiện dở dang và có thể không kịp vận hành trước ngành 31/10/2021 để xử lý trên nguyên tắc chi phí vận hành nhà máy chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Thay đổi trong phương án phát triển nguồn điện
Đáng chú ý, tại bản dự thảo mới nhất này, một số thông số đã có sự thay đổi so với Tờ trình 1682 mà Bộ Công Thương trình Chính phủ hồi tháng 3 năm nay. Trong đó, sự thay đổi trong phương án phát triển nguồn điện khi tăng điện than, giảm năng lượng tái tạo sau khi rà soát nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
Góp ý về bản dự thảo lần này của Bộ Công Thương, một số chuyên gia vừa qua lên tiếng cho rằng, bản dự thảo là bước lùi khi tăng thêm khoảng 3.000 MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030.
Nói về những điểm đáng chú ý tại dự thảo này, ngày 23/9, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Bộ Công Thương đã khẩn trương rà soát, phân tích và hoàn thiện toàn bộ nội dung của Dự thảo quy hoạch điện 8.
"Nhiều nội dung rà soát đã có những thay đổi so với nội dung được nêu tại Tờ trình số 1682 trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3. Mặc dù vậy, dự thảo vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045", Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.
Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Cũng theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, quy hoạch điện 8 hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch điện 7 điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư được Bộ Công Thương đánh giá tình khả thi cao sẽ được kế thừa trong quy hoạch điện 8.
Tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với quy hoạch điện 7 điều chỉnh khoảng 15.000 MW.
Theo đó, nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG. Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định, sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.