Đề xuất tăng giờ làm thêm

Minh Châu 30/09/2021 18:03

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến điều chỉnh giờ làm thêm, theo hướng vượt quy định 40 giờ mỗi tháng song không quá 300 giờ mỗi năm.

Ngày 30/9, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay dự thảo tờ trình về nội dung nêu trên đang được hoàn thiện để báo cáo Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Công nhân Công ty Hosiden lau máy móc, chuẩn bị cho hoạt động trở lại sản xuất sau thời gian ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Dự thảo được xây dựng theo hướng bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ mỗi tháng, áp dụng tổng số giờ làm thêm tối đa 200 - 300 giờ mỗi năm cho tất cả các ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, phía Bộ đang tiến hành tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước. Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng không vượt quá 300 giờ/năm.

Theo quy định hiện hành, giờ làm thêm được khống chế ở mức 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần, thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày và không quá 40 giờ mỗi tháng.

Luật chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quy định chặt chẽ trong bối cảnh đại dịch tác động lâu dài dễ ảnh hưởng nghiêm trọng các ngành kinh tế. Đặc biệt là nông sản, thuỷ sản, hải sản đến vụ mùa cần thu mua, chế biến nhưng thiếu công nhân. Việc điều chỉnh nhằm phục hồi sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thời gian dự kiến điều chỉnh quy định về giờ làm thêm nêu trên được đề xuất có hiệu lực đến 31/12/2024. Bởi theo tính toán đây là thời điểm doanh nghiệp đã phục hồi và cũng không gây quá tải cho người lao động khi phải làm thêm liên tục trong thời gian dài.

Góp ý xây dựng dự thảo, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đồng tình với việc bỏ trần số giờ làm thêm trong một tháng để linh hoạt cho sản xuất. Song đại diện hiệp hội đề xuất tăng khung làm thêm tối đa trong năm từ 300 lên 400 giờ, không phụ thuộc và ngành nghề sản xuất để bù đắp cho việc thiếu hụt lao động trầm trọng sau dịch.

VASEP đồng thời muốn tạm bỏ quy định phải thông báo với cơ quan chức năng khi tổ chức làm thêm giờ mà chỉ cần thỏa thuận với người lao động. Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm hậu kiểm và thực hiện làm thêm giờ đúng quy định. Theo quy định hiện hành, nếu muốn tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ mỗi năm, chủ doanh nghiệp phải thông báo cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính lẫn nơi tổ chức làm thêm biết, chậm nhất sau 15 ngày sau khi tổ chức làm thêm.

Hiệp hội phân tích, khi các tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16, khoảng 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất trong hai tháng. 30% còn lại sản xuất cầm chừng theo phương thức "ba tại chỗ" hoặc "một cung đường hai điểm đến". Các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động trầm trọng, thiếu nguyên liệu, vật liệu phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu khi di chuyển liên tỉnh. Các yếu tố trên khiến doanh nghiệp dễ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, mất khách hàng do không cung cấp kịp đơn đặt hàng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dù đồng tình với việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong năm, song nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Cơ quan này đề nghị các cấp có thẩm quyền chỉ nên cho áp dụng trong hai năm, từ 1/1/2022 đến hết 31/12/2023, thay vì tới tận cuối năm 2024 như dự kiến.

Theo tính toán của Tổng Liên đoàn, nếu không áp dụng tối đa 40 giờ mỗi tháng, tổng số giờ làm thêm trong tháng của người lao động có thể lên tới 104 giờ, gấp 2,5 lần so với hiện hành. Bởi soi chiếu quy định, doanh nghiệp có thể yêu cầu lao động làm thêm tối đa 4 tiếng mỗi ngày, miễn là không vượt quá 12 tiếng làm việc lẫn làm thêm. Một bộ phận người lao động do đời sống khó khăn gay gắt, có thể chấp nhận làm thêm ở mức tối đa để tăng thu nhập. Song nếu tình trạng kéo dài dễ mất an toàn lao động, suy kiệt sức khỏe.

Ý kiến của các hiệp hội, đại diện doanh nghiệp và người lao động sẽ được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp, hoàn thiện dự thảo gửi Chính phủ.

Thống kê trong 8 tháng của năm 2021, có hơn 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, riêng TP HCM chiếm 1/3. Khoảng 2,5 triệu lao động phía Nam phải ngừng việc, chiếm 70% tổng số lao động ngừng việc trên cả nước. 50% doanh nghiệp, nhà máy thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu dừng hoạt động để phòng chống dịch hoặc không đủ nguyên liệu sản xuất. Hàng chục nghìn công nhân các tỉnh phía Nam về quê lánh dịch dễ dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động sau khi các địa phương mở cửa, nhà máy sản xuất trở lại.

Minh Châu