Ngày càng nhiều trẻ em Việt Nam thừa cân, béo phì
Thống kê mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần sau 10 năm (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tại Việt Nam gia tăng sau mỗi năm là một thực trạng không mới, nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các bậc phụ huynh.
Giật mình khi biết con bị thừa cân
Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy, tỉ lệ trẻ béo phì ở TP HCM đã vượt 50%, thành phố Hà Nội vượt 41%. Có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường.
Các y bác sĩ tại Viện Dinh dưỡng quốc gia từng ghi nhận không ít trường hợp cha mẹ đưa con tới khám đã “ngã ngửa” vì con mình đang rơi vào tình trạng thừa cân, thậm chí thừa đến gần chục cân.
Ví dụ, một gia đình tại Nghệ An có 3 người con đều rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì. Cháu lớn 13 tuổi thừa 26 kg, cháu 11 tuổi thừa 17 kg, còn bé 9 tuổi thừa 11 kg. Thăm khám, khai thác tiền sử, các bác sĩ mới phát hiện ra các cháu được ông bà cho ăn uống thoải mái, mỗi ngày trước khi đi học thêm vào buổi chiều tối đều được cho ăn bánh mì kẹp thịt, cháu trai được ưu ái hơn, ăn 2 cái. Đương nhiên, các bữa ăn khác và sữa uống hàng ngày là điều không thể thiếu.
Khi được nhân viên y tế thông báo về tình trạng của con, cha mẹ các cháu đã bị “sốc” bởi họ không thể tin được rằng lại thừa nhiều tới vậy. Và còn “sốc” hơn nữa khi có kết quả xét nghiệm, các cháu đều đã mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa.
Việc cha mẹ, ông bà thường cho con cái ăn thêm bữa phụ trước khi đi học thêm, hay sau khi tan học không hiếm. Vào thời điểm trước khi học sinh nghỉ học để phòng chống Covid-19, chỉ cần dạo qua các trường tiểu học, trung học vào giờ tan trường, chúng ta không khó bắt gặp cảnh các phụ huynh dừng xe mua cho các con xúc xích, bánh mỳ tại các quán bán đồ ăn nhanh ngay cổng trường.
Khi được các bác sĩ kết luận, con trai 9 tuổi cao 1m51 nặng 62 kg đã bị thừa hơn 15 kg, chị Nguyễn Thanh Hậu (Hoàng Mai, Hà Nội) mới giật mình nói: “Tôi nghĩ con đi học cả ngày vất vả, mà cháu đến trường cũng nô đùa với các bạn nhiều nên cho cháu uống sữa, ăn bánh bao để bổ sung thêm chất. Bởi sau đó tôi thường cho cháu đi tập bóng rổ nữa nên nghĩ là sẽ tiêu hóa ngay thôi”.
Có lẽ chị Hậu không biết, với trẻ em, chế độ luyện tập trong 1 giờ chỉ tiêu hao khoảng 150-200 Kcal nhưng một bát xôi thịt có khoảng 712 Kcal, bánh bao là 409 Kcal, một cái bánh giò là 437 Kcal. Cũng theo chị Hậu, con chị hơi béo, đó là lý do chị xin bác sĩ tư vấn nhưng không thể ngờ được rằng cháu lại bị thừa nhiều cân đến vậy.
Quan niệm sai lầm của người lớn
Thực tế cho thấy, đa phần người dân thường lo lắng con bị suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển. Còn đối với thừa cân béo phì, nhiều người thường nói: “Trẻ con bụ bẫm một chút mới đẹp”. Đây không phải là việc hãn hữu, mà là vấn đề của toàn xã hội với quan niệm người Việt thích trẻ em bụ bẫm.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con trai nặng 60 kg, cao 1m51 cho hay: “Gia đình chúng tôi được các bác sĩ tư vấn bé bị thừa 15 kg nên quyết tâm cùng cháu ăn uống, tập luyện theo đúng chế độ, cháu giảm được 3 kg. Tuy nhiên, đợt dịch bệnh vừa rồi chúng tôi cho cháu về quê, ông bà nội chiều cháu, thêm nữa hàng xóm láng giềng cũng đều khen cháu mũm mĩm dễ thương nên ông bà cũng không hạn chế mà cho ăn uống thoải mái. Giờ con tôi lại tăng thêm 5 kg”.
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia: Tâm lý thích con, cháu bụ bẫm, tâm lý chiều con, cho con bát cơm ngồi cả ngày là vô cùng tai hại. Chính tâm lý này dẫn tới việc rất nhiều người đánh giá sai về hình thể của trẻ. Con mình bị thừa cân thì cho rằng con vẫn còn gầy, cần ăn thêm. Con béo phì thì nghĩ rằng vẫn ổn, lớn lên sẽ tự hết.
Trong cuộc điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện đối với 600 phụ huynh có con đang ở độ tuổi tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, có một câu hỏi như sau: Bạn hãy tự đánh giá về hình ảnh cơ thể của trẻ? Kết quả, 47% trẻ ở có cân nặng bình thường thì phụ huynh đánh giá là suy dinh dưỡng, thiếu cân, 27% trẻ mắc béo phì nhưng chỉ có 2% số phụ huynh dự đoán đúng tình trạng đó. Thậm chí, có nhiều trường hợp phụ huynh cho rằng trẻ đang thừa cân vẫn có thể tăng cân nữa.
Nhiều hệ lụy lâu dài
Hẳn không ít người còn nhớ rõ ca bệnh mắc đái tháo đường trẻ nhất tại Việt Nam được ghi nhận vào năm 2013, khi phát hiện mắc bệnh, cháu mới chỉ gần 9 tuổi. Đó là một cậu bé ở Hà Nội có kèm theo tình trạng thừa cân, béo phì. Bệnh nhân có chỉ số đường máu lên tới gần 15 mm/lít, chỉ số Hba1c là 11,7%, trong khi chỉ số này ở mức 9% bệnh nhân đã phải tiêm insulin. Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và may mắn có đáp ứng tốt với thuốc uống. Tuy nhiên, bé sẽ phải điều trị suốt đời.
Theo BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, đái tháo đường chỉ là một trong nhiều bệnh không lây nhiễm có thể đến với trẻ mắc béo phì. Trẻ còn có thể mắc nhiều bệnh mãn tính khác như bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, rối loạn tiêu hóa, thoái hóa khớp… đồng thời với đó là tâm lý tự ti do bạn bè chế giễu về hình thể. Thời gian dài sẽ dẫn tới chứng trầm cảm.
Bác sĩ Tước cho rằng, điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp các hoạt động thể lực là cách điều trị béo phì tốt nhất. Nên ăn theo thực đơn dinh dưỡng của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Ăn thịt nạc, cá, thịt da cầm bỏ da, tôm, đậu phụ... Nếu uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ), không nên uống sữa đặc có đường.
Bữa sáng nên ăn nhiều để tránh trẻ ăn vặt ở trường, giảm ăn về chiều và tối. Nên ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thực phẩm cơ bản giàu chất xơ. Khi chế biến thức ăn hạn chế các món xào, rán, nên ăn các món luộc, hấp.
Nên ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu quá đói trẻ sẽ ăn nhiều các bữa sau gây tích lũy mỡ nhanh hơn. Nhai kỹ và chậm khi ăn. Kết hợp khẩu phần ăn ít chất béo, uống nhiều nước lọc và ăn vừa đủ không quá no.
Bên cạnh việc cải thiện chế độ dinh dưỡng thì các hoạt động thể lực cũng là một trong những yếu tố góp phần giảm cân và hạn chế thừa cân, béo phì.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về thừa cân béo phì
Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2040. Chiến lược tổng thể nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân Việt Nam gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu.
Trong đó, một số mục tiêu quan trọng là khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng , dự phòng các bệnh mãn tính không lây nhiễm và kiểm soát các yếu tố có nguy cơ liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Cụ thể, đến năm 2030, mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi là dưới 10%, trẻ em từ 5-18 tuổi là dưới 19%.
Để thực hiện được những mục tiêu quan trọng của Chiến lược và kế hoạch dinh dưỡng quốc gia, cần có sự phối hợp của các Bộ, Ban ngành, các đơn vị có liên quan, sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân cùng thực hiện nhiều giải pháp cụ thể về chính sách, nguồn lực, về chuyên môn kỹ thuật và đặc biệt là giải pháp về truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, sức khỏe của cộng đồng và để người dân có đầy đủ hiểu biết và tạo dựng một thói quan ăn uống, lối sống sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam: Chú trọng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý cho trẻ
Hiện tại, tâm lý lo lắng về sức khoẻ và khả năng miễn dịch của trẻ trong mùa dịch khiến nhiều phụ huynh có xu hướng bồi bổ quá mức cho con trong thời gian giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, việc các gia đình có xu hướng tích trữ lương thực để hạn chế ra khỏi nhà, mặt khác, lại khiến chiếc tủ lạnh trở nên đủ đầy và hấp dẫn hơn bao giờ hết, đặc biệt là với những trẻ mũm mĩm, thích ăn vặt và ăn ngon miệng.
Ví dụ đối với đạm, theo thống kê về nhu cầu chất đạm cho trẻ 6 tuổi, mỗi ngày trẻ cần khoảng 36g - tương đương nửa lạng thịt. Nếu trẻ ăn 3-4 lạng thịt, hoặc tiêu thụ thêm đạm từ các thực phẩm khác vượt quá nhu cầu khuyến nghị thì sẽ bị thừa đạm, từ đó có nguy cơ thừa cân, béo phì. Để con khoẻ mạnh, bố mẹ chỉ cần cho con ăn vừa đủ nhu cầu khuyến nghị của các chất dinh dưỡng
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính cao, mỗi ngày có 80 người tử vong vì các bệnh liên quan đến tiểu đường. Mà thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm khi trưởng thành.
Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch bệnh, phụ huynh cũng cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động hợp lý, tránh việc chủ quan với cân nặng của con.
Ng. Toàn (ghi)