Quảng trường Hòa Bình (tỉnh Hoà Bình): Vì sao nhanh xuống cấp?
Quảng trường Hòa Bình được đầu tư nhằm tạo một không gian cho người dân vui chơi và sinh hoạt cộng đồng, nhưng thực tế chất lượng của một số hạng mục công trình lại trong tình trạng xuống cấp dù mới được đưa vào sử dụng.
Quảng trường Hòa Bình (Khu đa chức năng Quỳnh Lâm) của TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) được xây dựng nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình. Khu đa chức năng Quỳnh Lâm được biết đến là khu phức hợp các công trình về chính trị, kiến trúc, văn hóa, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị của TP Hòa Bình kết hợp tính hiện đại nhưng vẫn khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có không gian văn hóa chiêng Mường.
Quảng trường Hòa Bình được đầu tư gần 250 tỷ đồng, xây dựng trên tổng diện tích 14,5 ha với nhiều hạng mục lát đá, hồ nước, khu khán đài, bục lễ đài... là nơi vui chơi cho nhân dân, tổ chức các buổi lễ lớn của tỉnh Hòa Bình trong các dịp lễ tết, hoạt động ca múa nhạc ngoài trời.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tại Quảng trường Hòa Bình đã có nhiều hạng mục, vị trí bị hư hỏng, bong tróc, gây phản cảm, mất mỹ quan... Thực trạng này khiến dư luận bức xúc về chất lượng thi công công trình cũng như công tác quản lý, khai thác, duy tu, sau thi công.
Ghi nhận thực tế, nhiều hạng mục tại công trình này đã xuống cấp trầm trọng như: Hạng mục ốp, lát đá nền, tường bị bong vỡ nhiều; cỏ cây không được cắt tỉa; các hạng mục phòng chức năng, phòng vệ sinh ẩm mốc, không điện nước; thậm chí được người dân “tận dụng” làm nơi nuôi nhốt gà; nhiều khu vực thềm sụt lún, đọng nước, đèn điện hỏng hóc gây nguy hiểm…
Anh Trần Văn Hà, 28 tuổi - trú phường Tân Hòa, TP Hòa Bình cho biết: “Tôi không biết công trình này được đầu tư hết bao nhiêu tiền; đơn vị nào thi công và công trình được nghiệm thu, thanh quyết toán ra sao; công tác thanh kiểm tra, bảo hành công trình, duy tu sửa chữa được thực hiện như thế nào, nhưng ngay từ khi mới đưa vào sử dụng, những vị trí ốp đá đã bị bong, rơi vỡ khiến nhiều người xót xa, hoài nghi về chất lượng và trách nhiệm quản lý đối với công trình này”.
Theo anh Hà, chưa bàn đến chất lượng nguyên vật liệu nhưng hạng mục ốp lát đá ở đây không đảm bảo chất lượng và kỹ thuật sẽ gây nguy hiểm, nguy cơ đá rơi đè vào chân trẻ nhỏ. Những vị trí đá bị rơi vỡ không được kiểm tra và sửa lại sẽ tiềm ẩn tai nạn khi trẻ con chạy nhảy, xô đẩy dễ bị ngã vào những thanh sắt tủa tủa dùng để gá đá, cần được cơ quan chức năng tiến hành xử lý sớm.
Tiếp nhận thông tin phản ánh, ông Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình đã giao và đề nghị phóng viên làm việc với lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông TP Hòa Bình (TTVH).
Ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông TP Hòa Bình cho biết: Chi phí vận hành cho bảo vệ, điện nước, cắt phát cỏ,… tùy theo thực tế, bình quân 40 triệu đồng/tháng. Kinh phí cho hoạt động này được xem xét và cấp tùy theo thực tế từng năm, năm 2021 được cấp 1,5 tỷ đồng.
Trước những phản ánh về việc hư hỏng, xuống cấp và những bất cập của các hạng mục không được duy tu sửa chữa, ông Hải cho biết, TTVH đang được giao thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê đối với Quảng trường này nên để khi nào được duyệt và có doanh nghiệp vào thuê thì họ sẽ sửa chữa.
Về vấn đề chất lượng công trình xuống cấp, hư hỏng diễn ra và tồn tại ngay từ khi bắt đầu đưa vào sử dụng mà vẫn không được khắc phục; chất lượng vật liệu kém, chất lượng thi công kém, công tác bảo hành, duy tu và sửa chữa đã được xử lý như thế nào thì ông Hải cho rằng mình không nắm được. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm, nuôi nhốt gà và cỏ cây không được cắt tỉa được ông Hải ghi nhận và sẽ giải quyết.
Được biết, Quảng trường Hòa Bình được giao cho UBND TP Hòa Bình quản lý từ tháng 1/2019.
Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Việc duy tu sửa chữa được và những bất cập này thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP Hòa Bình. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh không được giao quản lý công trình này.