Thu hẹp địa chỉ vay vốn mua nhà
Ngân hàng Nhà nước mới đây đề xuất khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội, người dân sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi như hiện nay nữa. Điều này lập tức gây ra nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận.
Vì sao không được hưởng ưu đãi về lãi suất?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 25 năm 2015 hướng dẫn vốn vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội (NOXH). Điểm đáng chú ý tại dự thảo thông tư là không có chính sách ưu đãi đối với khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội như quy định hiện nay nữa. Như vậy, chỉ có người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa NOXH mới được hưởng chính sách hỗ trợ.
Theo NHNN, lý do sửa đổi là Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua NƠXH; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; tại tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua Nhà ở.
Trong khi đó, Nghị định 100 năm 2015 về phát triển và quản lý NOXH quy định tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay ưu đãi để mua, thuê, thuê mua NOXH, không phù hợp với Luật NOXH.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, việc chính sách ưu đãi vốn vay đối với NOXH sẽ phải thực hiện theo Luật Nhà ở.
Hiện có 4 ngân hàng thương mại được NHNN chỉ định cho vay ưu đãi NOXH, bao gồm: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV. Tuy nhiên, do chưa được tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, nên đến nay, các ngân hàng này cũng chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng triển khai các khoản vay mua, thuê mua NOXH.
Ngay sau khi có thông tin này, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có công văn gửi NHNN và Bộ Xây dựng đề nghị giữ nguyên quy định cho khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua NOXH. Hiệp hội này cũng cho rằng, trong giai đoạn 2015-2020 có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi NOXH do thiếu dự án NOXH và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm, quá ít.
Trong khi đó, Nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất. Về thời hạn cho vay ưu đãi, trong giai đoạn 2006-2015 tối đa là 10 năm; giai đoạn 2015-2020 tối đa là 15 năm. Và mới đây, Nghị định 49/2021 đã nâng thời hạn tối đa lên đến 25 năm cho người mua, thuê mua NOXH, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
HoREA cho rằng, đề xuất của NHNN sẽ “tước bỏ” chính sách cốt lõi là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua NOXH. Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách NOXH là những người bị thiệt nhất, không phát huy mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA cho biết, nhiều nước đã thực hiện chính sách về NOXH, nhà ở giá thấp cho người có thu nhập thấp đều có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp, với thời hạn cho vay phổ biến trên dưới 25 năm. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng tín dụng lãi suất thấp cho vay dài hạn là điều quan trọng để giúp người nghèo, người thu thu nhập thấp, người thu nhập trung bình tiếp cận được nhà ở.
Ai đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn?
Chị N.T.P., người được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để mua NOXH tại Long Biên, Hà Nội chia sẻ, để được vay tiền lãi suất thấp trong thời hạn 20 năm, chị đã phải thực hiện rất nhiều thủ tục, nhưng dẫu sao người ngoại tỉnh như chị cũng đã có nhà để ở. Do vậy, khi biết thông tin, thời gian tới có khả năng người dân mua, thuê mua NOXH sẽ không còn được hưởng ưu đãi về lãi suất tại các tổ chức tín dụng chị N.T.P cho rằng như vậy sẽ quá khó khăn cho người thu nhập thấp.
Ý kiến của nhiều người dân cho rằng, nếu NHNN muốn đưa việc vay để mua, thuê mua NOXH hưởng ưu đãi về một mối thì sẽ gây khó cho người dân. Vì khi có các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tham gia cho vay thì cơ chế xin cho, phiền hà về thủ tục mới hi vọng được giảm bớt, nhiều người có cơ hội sở hữu nhà hơn.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, điều mà NHNN nhà nước muốn làm là quy việc cho vay mua nhà lãi suất thấp về một mối là Ngân hàng Chính sách xã hội. Còn quan điểm xuyên suốt là ai đủ điều kiện, ai muốn vay vốn vẫn được vay vốn.
16 ngân hàng đã giảm 8.865 tỷ đồng lãi vay cho khách hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính từ 15/7 đến 31/8, 16 ngân hàng thương mại chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã thực hiện việc giảm lãi suất cho khách hàng vay là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công khai chi tiết số lãi mà các ngân hàng thương mại đã giảm cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đợt Covid-19 vừa qua.
P. Vân