Giai đoạn quan trọng để phục hồi kinh tế sau đại dịch
Các tỉnh, thành phía Nam đang từng bước khống chế được dịch bệnh và tiến tới mở cửa lại kinh tế, cho doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Đây là giai đoạn rất quan trọng để phục hồi kinh tế.
Sáng 1/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp cùng Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) tại ĐBSCL và Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo Kinh tế quý IV và triển vong năm 2022” dưới hình thức trực tuyến.
Các tỉnh, thành phía Nam đang từng bước khống chế được dịch bệnh và tiến tới mở cửa lại kinh tế, cho doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Đây là giai đoạn rất quan trọng để phục hồi kinh tế.
Để giúp doanh nghiệp vùng ĐBSCL, nơi có thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, nắm bắt được tình hình kinh tế chung của Việt Nam, những định hướng, chủ trương chính sách hỗ trợ có liên quan về nông nghiệp để bước vào giai đoạn tái sản xuất, VCCI Cần Thơ, VOV và VIAC tổ chức Hội thảo hình thức trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022”.
Hội thảo sẽ tập trung phân tích bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong đại dịch Covid 19 và những thách thức phải đối mặt để các nhà quản lý địa phương và doanh nghiệp ĐBSCL nắm bắt xây dựng chính sách và kế hoạch kinh doanh thích ứng trong giai đoạn phục hồi.
Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã và đang diễn ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam dịch bệnh rất nghiêm trọng. Dịch bệnh đã buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đình trệ sản xuất và đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế.
Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có gần 81.584 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.133 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598.000 lao động, giảm 7,97% về số doanh nghiệp, giảm 7,50% về vốn đăng ký và giảm 13,81% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, có 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 43.165 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30.147 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.196 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tác động dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn ra, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước, đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động bởi dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021. Trong đó: xuất khẩu đạt 1,04 tỷ USD (giảm 40,61%), nhập khẩu đạt 930 triệu USD (giảm 22%) so với tháng 7/2021 . ĐBSCL có 2.109 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 23,70%), 4.557 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 58,12%). Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường của cả nước cũng như ở khu vực ĐBSCL đang ngày một gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương.
Hội thảo nhằm giúp các địa phương nắm bắt được tình hình kinh tế chung của Việt Nam, những định hướng, chủ trương chính sách hỗ trợ có liên quan về nông nghiệp để bước vào giai đoạn tái sản xuất phục hồi sau dịch...