TP HCM nhận trách nhiệm trong việc hàng ngàn người tự phát về quê

Quế Anh 01/10/2021 18:27

Việc người dân tự phát về quê ngay sau khi TP HCM thông tin chỉ thị mới sau thời gian giãn cách xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, thành phố cũng nhìn nhận một phần trách nhiệm trong đó.

Chiều tối 1/10, Ban chỉ dạo phòng chống dịch TP HCM đã tổ chức họp báo về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn trong 24 giờ qua, trong đó làm rõ nhiều vấn đề băn khoăn liên quan đến việc TP HCM công bố chính thức chỉ thị 18 được ban hành vào chiều cùng ngày.

3 con số lạc quan

Mở đầu cuộc họp, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM thông tin 3 con số lạc quan trong 24 giờ qua về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM.

Đó là thành phố tiếp tục có số bệnh nhân xuất viện cao hơn số bệnh nhân nhập viện. Cụ thể, trong ngày có 2.886 bệnh nhân được xuất viện và 2.046 người mắc Covid-19 nhập viện.

Kế đó, số F0 tử vong trên địa bàn đã giảm xuống dưới mức 100 ca/ngày. Cụ thể, trong 24 giờ qua thành phố lần đầu tiên có dưới 100 bệnh nhân (96 người) Covid-19 tử vong.

Hiện nay TP HCM có 32.885 người mắc Covid-19 đang điều trị, đạt mức thấp so với cả quãng thời gian dài trước đó. Trong đó, 1.568 bệnh nhân nặng, cần thở máy và 20 trường hợp cần can thiệp ECMO.

"Những con số trên đã thể hiện nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị - xã hội thành phố trong việc từng bước kiểm soát dịch bệnh. Đáng chú ý, số ca nặng, ca tử vong trên địa bàn đã được kéo giảm sâu sau một thời gian dài", ông Phạm Đức Hải bày tỏ.

Giải pháp cho người về quê

Tại cuộc họp báo, đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cũng thông tin liên quan đến hàng ngàn người dân tập trung tại các cửa ngõ của thành phố vào tối 30/9 để về quê. Theo đó, thành phố có chủ trương đưa đón những người dân có nhu cầu về miền Tây.

Cụ thể, người dân có nhu cầu về quê sẽ được thành phố bố trí bằng xe khách. Xe máy cá nhân sẽ được vận chuyển bằng xe tải. Đồng thời, người có nhu cầu về quê được tập hợp theo từng tỉnh, thành phố để được đưa về quê.

Người dân đổ về các cửa ngỡ tự phát về quê vào tối 30/9.
Người dân đổ về các cửa ngỡ tự phát về quê vào tối 30/9.

Ở chiều ngược lại, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp vận chuyển người lao động từ tỉnh, thành phố đến làm việc tại TP HCM trong tình hình mới.

Trong đó, lãnh đạo thành phố đề nghị các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đáp ứng đủ các điều kiện được di chuyển đến TPHCM làm việc.

Theo ông Phạm Đức Hải, việc người dân tự phát về quê ngay sau khi TP HCM thông tin chỉ thị mới sau thời gian giãn cách xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, thành phố cũng nhìn nhận một phần trách nhiệm trong đó.

Ông Hải bày tỏ, thành phố sẽ nỗ lực để tiếp tục chăm lo cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, trong đó có gói hỗ trợ đợt 3 chuẩn bị triển khai đồng loạt.

Bên cạnh đó, ông mong muốn bà con hãy ở lại làm việc do nhu cầu rất lớn của thành phố cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh sắp tới. Trong đó, thành phố sẽ đón thêm lao động ngoại tỉnh trở lại thành phố trong những ngày tới.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Công an TP HCM đã thông tin việc TP HCM đã hỗ trợ 1.300 người dân về quê bằng phương tiện xe khách. Đáng chú ý, trong dòng người về quê tập trung nhiều trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… nên việc di chuyển tập trung qua các điểm đông đúc dẫn đến nguy cơ rất cao.

Các lực lượng chức năng TP HCM sau nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng bà con vẫn nhất quyết về quê, đã phân chia đoàn các đoàn phát phiếu, thu thập thông tin nhân thân, kèm theo đó là yếu tố dịch tễ như tiêm vaccine, test nhanh Covid-19…

Sau đó, thành phố đã điều xe buýt để chở người và phương tiện của người dân về quê. Xe CSGT dẫn đường đưa người dân về địa phương để tiếp nhận, xử lý.

Công bố Chỉ thị 18

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành Chỉ thị số 18 của TPHCM về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo nội dung chỉ thị mới, tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động sẽ thực hiện đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn. Hạn chót đến 8/10, tất cả các đơn vị phải hoàn tất quét mã QR cho toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Trường hợp không có mã QR, phải xuất trình giấy tờ chứng minh là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Để mở cửa kinh tế, chỉ thị 18 đề nghị đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP HCM với các địa phương được thuận lợi. Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh) được ưu tiên, cùng với việc tổ chức vận chuyển người lao động về TP HCM chuẩn bị tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Về một số hoạt động mở cửa, có 13 loại hình sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ lớn được cho phép hoạt động trở lại, trong đó dịch vụ ăn uống được bán hàng mang đi; cắt tóc gội đầu chỉ được hoạt động 50% công suất.

TP HCM cũng tháo gỡ mở cửa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong KCN, KCX, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp và trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức hoạt động trở lại kèm theo một số chỉ tiêu về an toàn.

Ngoài ra, chỉ thị mới của TP HCM cũng cho phép các hoạt động dịch vụ cấp thiết như kinh doanh, thương mại - dịch vụ gồm cung cấp lương thực thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống;… được mở cửa từ đầu tháng 10 năm nay.

Quế Anh