Bao phủ Bảo hiểm y tế toàn dân: Cần giải pháp đột phá
Ngày 1/10, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020; thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy: Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 87,96 triệu người. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng. Tổng số chi NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 43.638,5 tỷ đồng, bằng 41% tổng số thu tiền đóng BHYT.
Về tình hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, tăng 166 cơ sở (6,8%) so với năm 2019. Đối với việc khám, chữa bệnh BHYT theo loại hình nội trú, ngoại trú, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn quốc có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019. Bên cạnh đó, tại một số địa phương bị phong tỏa hoặc có cơ sở khám, chữa bệnh BHYT bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19 đã dẫn đến thời gian điều trị nội trú buộc phải kéo dài, làm gia tăng tỷ lệ chi phí giường bệnh nội trú.
Theo đánh giá của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm, dẫn đến tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ BHYT cũng như không có điều kiện để tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Đặc biệt, việc cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách tuy đã giảm nhiều so với các năm trước nhưng vẫn còn xảy ra ở một số tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh đó, kết quả 90,8% dân số tham gia BHYT là thành tựu và cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung và Chính phủ nói riêng. Tuy nhiên, để bao phủ BHYT toàn dân, cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đồng thời cần đến các giải pháp đột phá trong công tác phát triển đối tượng.
Từ đó, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT (sửa đổi) để đạt các mục tiêu về nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời, chú trọng sửa đổi các nội dung về BHYT có liên quan trong quá trình sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cần đẩy mạnh thực hiện lộ trình chuyển từ chi ngân sách cho bệnh viện sang cấp ngân sách để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, cũng như xử lý dứt điểm những vấn đề còn “treo” đối với cơ sở khám chữa bệnh. Ông Mai đặt vấn đề: Chính phủ rất tích cực trong năm 2020 thanh quyết toán trên 10 nghìn 150 tỷ đồng. Vậy thực tế các bệnh viện đã nhận được chưa? Đây là vấn đề cần làm rõ.
Giải trình, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, nguyên tắc tổng thu nợ các năm trước không được tính vào quỹ bảo hiểm y tế của năm tài chính hiện hành mà được tính vào quỹ dự phòng. Về 10 nghìn 150 tỷ đồng cơ quan Bảo hiểm xã hội đang nợ, chưa quyết toán, ông Nguyễn Lương Sơn cho biết, đến thời điểm hiện nay đã báo cáo nhiều cấp, thống nhất Bộ Y tế và UBND 63 tỉnh, thành phố rà soát thẩm định lại đề nghị thanh toán của các cơ sở khám chữa bệnh từ năm 2016 và 2020 và được Hội đồng quản lý thông qua 10 nghìn 150 tỷ đồng.