TP Hồ Chí Minh ngày đầu nới lỏng giãn cách: Nhịp điệu phố phường đã dần trở lại
Trong 2 ngày 30/9 và 1/10, nhiều người ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đang làm ăn sinh sống tại TP HCM đã có nguyện vọng về quê. Dù việc này không đúng theo chủ trương của TP HCM cũng như các tỉnh, thành miền Tây nhưng chính quyền các địa phương đã nhanh chóng lên phương án phối hợp đưa người dân trở về an toàn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong ngày 1/10, ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách, TP HCM cũng đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
Phấn khởi ngày đầu nới lỏng giãn cách
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 1/10, ngày đầu tiên sau hơn 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các con đường của TP HCM đông dần. Các chốt kiểm soát dịch trên đường đều đã được dỡ bỏ, người dân lưu thông dễ dàng hơn. Không những đường sá đông đúc, các tiệm sửa xe đều tất bật làm việc, hàng quán bắt đầu mở cửa để chuẩn bị bán mang về.
Một người đàn ông làm bảo vệ cửa hàng công nghệ trên đường Võ Thị Sáu, Q.3 cho biết, 4 tháng qua ông ăn, ngủ lại công ty vì dịch không về nhà được. “Mấy tháng nay đường sá vắng vẻ. Sáng nay, thành phố nới lỏng giãn cách, xe cộ chạy ngoài đường đông hơn mọi ngày rất nhiều. Chỉ mong mọi người ra ngoài vẫn tuân thủ 5K phòng, chống dịch” - ông nói.
Tương tự, một phụ nữ ở Q.Bình Thạnh) cho biết, trong thời gian thành phố giãn cách chị chỉ ở nhà, xem tin tức, theo dõi tình hình dịch bệnh. Nay được ra ngoài thấy đường, bản thân cũng thấy phấn khởi. “Nghe tin đường không còn chốt chặn, tôi thấy rất vui, như thấy thành phố đang từng bước hồi sinh” - chị nói.
Nhiều người cho biết họ rất phấn khởi khi xem buổi phát sóng trực tiếp “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 30/9, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, người dân ra đường từ ngày 1/10, chỉ cần để sẵn trong điện thoại mã QR của ứng dụng VNEID, hai là lịch sử tiêm chủng vaccine hoặc là giấy tờ xuất trình là F0 đã khỏi bệnh để trình cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu.
Ông Hoan cũng cho biết thêm, toàn bộ người dân của thành phố đi lại bình thường, không có các chốt kiểm soát như trước. Thay vào đó là kiểm soát ngẫu nhiên, lưu động trên đường.
Không để ùn ứ tại các chốt ra vào thành phố
Bà Nguyễn Thị Viên, 51 tuổi quê ở Bến Tre kể rằng hai vợ chồng bà ở TP HCM đã gần 10 năm, chủ yếu là làm thuê. Gần 4 tháng qua cuộc sống ông bà rất khó khăn, phải trả phòng trọ chuyển sang ở tạm cùng vợ chồng con gái cũng trong phòng trọ khác để tránh dịch.
“Mình đi làm thuê, thay đổi chỗ ở trọ nhiều nên đăng ký nhưng không lần nào đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ cả. Mà tiền nhà, tiền trọ, tiền ăn... cái gì cũng mắc. Hôm qua nghe tin được đi đi lại bình thường nên hai vợ chồng thu đồ để về. Nghĩ đường gần, chỉ chạy hơn 2 tiếng là tới nhà ai ngờ bị kẹt lại từ tối qua tới giờ. Nãy nghe mấy chú công an bảo ghi tên tuổi số chứng minh rồi họ cho xe chở về tận Bến Tre cũng mừng. Con rể nó mới gọi điện bảo nếu ba mẹ không qua chốt được thì quay lại ở nán thêm mấy ngày nhưng chúng tôi quyết định về luôn” - bà Viên kể.
Trường hợp hai vợ chồng bà Viên không phải là cá biệt. Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 nằm trên quốc lộ 1A giáp ranh giữa TP HCM và Long An có khoảng hơn 1.000 người dân bị kẹt lại từ chiều tối ngày 30/9. Khoảng 9 giờ sáng ngày 1/10, sau khi TP HCM có kế hoạch đưa người dân về các tỉnh miền Tây bằng ôtô, lực lượng chức năng gồm công an và quân đội bắt đầu phân chia người dân theo từng địa phương. Người dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau hay Kiên Giang... sẽ đứng ở những khu vực riêng, từng người đều được phát giấy ghi tên tuổi, quê quán để tiến hành làm xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi lên xe khách.
Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP HCM cho biết, không để người dân ùn ứ tại chốt, Công an TP HCM đã phối hợp với lực lượng quân đội hỗ trợ tổ chức đưa người dân về quê. Xe buýt, xe khách chở người, còn xe tải của Bộ Tư lệnh TP HCM sẽ chở xe gắn máy. Các xe chở người dân đều đảm bảo giãn cách, chỉ chở 50% số lượng cho phép. Trên đường đi sẽ có lực lượng Cảnh sát giao thông dẫn đường, có phối hợp điện đàm với các địa phương khác khi di chuyển qua.
Các địa phương gấp rút đón người
Trên địa bàn tỉnh Long An, nơi giáp ranh với TP HCM trong 2 ngày 30/9 và 1/10 đã có hàng trăm người dân đi xe gắn máy được đưa về quê.
Cụ thể, tại huyện Đức Hòa nơi tập trung hàng trăm nhà máy, khu công nghiệp thu hút số lượng lớn công nhân tới từ nhiều huyện thị xã khác của tỉnh Long An cũng như tỉnh khác tới làm việc. Khi họ tự ý về quê, bị kẹt lại chốt kiểm soát giáp ranh giữa huyện Đức Hòa và huyện Bến Lức cũng đã được liên hệ với các tỉnh thành nơi đến để đưa người dân về quê đúng theo quy định.
Còn ở nơi tiếp nhận, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết đã chỉ đạo sở ngành địa phương nâng cấp, xây dựng thêm các khu cách ly tập trung. Mỗi huyện, thị và TP Sóc Trăng đang có năng lực cách ly khoảng 700-1.000 người. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu nâng cấp để mỗi địa phương có thể tiếp nhận 1.000-1.500 người. Tuy nhiên, ông Lâu cũng cho rằng bà con của tỉnh không nên tự ý chạy xe máy về quê vì không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và không đảm bảo an ninh trật tự. Bà con muốn về phải đăng ký hoặc thông báo trước và về từng đợt. Mọi người về ồ ạt sẽ không đảm bảo cho việc cách ly và điều trị, gây nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Tương tự, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết ngoài những người tự đi xe máy về quê, tỉnh đã tổ chức 2 chuyến đón gần 1.000 người tại TP HCM và Bình Dương. Hiện cả người về theo kế hoạch (xe đón) và về tự phát đều phải cách ly tập trung theo quy định.
Ngày 1/10, gần 200 người dân ngoài tỉnh qua chốt cầu Rạch Miễu (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để về quê. Lực lượng chức năng đã tập trung chốt chặn, xử lý từng trường hợp để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Bến Tre) cho biết, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, lực lượng tại chốt tiến hành giải thích, yêu cầu người dân quay trở lại nơi cũ (nơi xuất phát) để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Những trường hợp bất khả kháng, lực lượng tiến hành phân loại, xét nghiệm Covid-19 để giải quyết cho qua chốt. Đến trưa 1/10, tại chốt cầu Rạch Miễu ghi nhận 106 người về các địa phương trong tỉnh Bến Tre, 84 người về tỉnh Trà Vinh.
Các trường hợp về tỉnh Trà Vinh, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tiến hành dẫn đường cho người dân đi xe gắn máy qua địa bàn tỉnh Bến Tre trên quốc lộ 60 để về quê. Đối với người về các địa phương trong tỉnh Bến Tre được lực lượng đóng tại chốt cầu Rạch Miễu cho bà con tập trung nơi thoáng mát và phát bánh mì, nước uống trong lúc chờ xe đến đón về cách ly theo quy định.
Bác sĩ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, ngành chức năng các địa phương sẵn sàng phương án hỗ trợ các trường hợp tự phát về quê để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Theo đó người dân sẽ được cách ly tập trung 7 ngày, cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày và được xét nghiệm Covid-19 theo qui định.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phối hợp tổ chức đưa người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ về quê an toàn, thì chính quyền TP HCM cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở lại thành phố. Bởi nếu để người dân về quê ồ ạt sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng như khiến nhiều kế hoạch của TP HCM và các tỉnh thành gặp khó.
Chiều 1/10, UBND TP HCM chính thức ban hành Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động sẽ thực hiện đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.TP HCM.gov.vn. Hạn chót đến 8/10, tất cả các đơn vị phải hoàn tất quét mã QR cho toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch để kiểm soát và tổ chức hoạt động. Trường hợp không có mã QR, phải xuất trình giấy tờ chứng minh là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Về một số hoạt động mở cửa, có 13 loại hình sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ lớn được cho phép hoạt động trở lại, trong đó dịch vụ ăn uống được bán hàng mang đi; cắt tóc gội đầu chỉ được hoạt động 50% công suất. Ngoài ra, chỉ thị mới của UBND TP HCM cũng cho phép các hoạt động dịch vụ cấp thiết như kinh doanh, thương mại - dịch vụ gồm cung cấp lương thực thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống… được mở cửa.