‘Cò’ đất lại rơi vào bẫy của chính mình
Nhiều địa phương tại tỉnh Thanh Hóa đã buộc phải ban hành quyết định hủy công nhận kết quả trúng đấu giá, thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ đối với các mặt bằng quy hoạch khu dân cư do người trúng đấu giá chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Đây là hậu quả được báo trước, khi “bong bóng bất động sản” phình to và vỡ sau những cơn sốt đất ảo.
Tháo chạy!
Cách đây khoảng hơn 4 tháng về trước, để có kinh phí xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã tiến hành đấu giá 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch số 983, khu dân cư đồng Vũng Cao, thôn Bột Thượng. Đây là mặt bằng nằm cách trung tâm UBND xã hơn 1km và nằm cách trung tâm huyện khoảng 8km, xung quanh được bao bọc bởi những ruộng lúa của dân.
Vào thời điểm đưa ra đấu giá, chính quyền không quá kỳ vọng vào khu đất này. Tuy nhiên, chỉ sau khi thông báo bán hồ sơ mời thầu khoảng 24 tiếng, hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia đấu giá 46 lô đất đã được bán hết. Ngạc nhiên hơn, trong khi giá khởi điểm từ 250 triệu đồng/lô, được người dân đấu lên tới gần 1,4 tỷ đồng/lô. Đáng chú ý, đa số người trúng đấu giá đều không phải là người địa phương.
Sau khi có kết quả trúng đấu giá, thời gian quy định là 120 ngày, người trúng đấu giá phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nếu không sẽ bị hủy kết quả đấu giá. Quy định là vậy, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đã quá thời hạn nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất của cơ quan thuế nhưng không có bất cứ tập thể, cá nhân nào đã trúng đấu giá nộp tiền theo quy định. Do đó, UBND huyện Thọ Xuân đã hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ, với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Tương tự như tại mặt bằng xã Xuân Sinh, tháng 7/2020, UBND xã Lộc Sơn (huyện Hậu Lộc) cũng tiến hành bán hồ sơ mời thầu và tiến hành đấu giá đối với 47 lô đất tại mặt bằng khu dân cư tại xã. Chỉ sau ít ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hơn 1.000 bộ hồ sơ đã được dân đầu cơ đất mua hết. Tại buổi đấu giá, các lô đất có giá khởi điểm từ 300 – 450 triệu đồng, nhưng đều bị người đấu đẩy lên cao đến 900 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Thậm chí có người còn đứng tên đấu và trúng đến hơn 20 lô.
Sau khi công bố kết quả đấu giá, người trúng đã nộp tiền cọc đợt 1. Tuy nhiên, sau khi đến thời hạn hoàn thành nghĩa vụ tài chính, mặc cho chính quyền, cơ quan thuế gửi thông báo, các cá nhân trúng đấu giá vẫn cứ “ì ra” với lý do không đủ khả năng tài chính. Đến tháng 9/2021, UBND huyện Hậu Lộc đã buộc phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ nhà nước, với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ cho thấy việc các nhà đầu cơ đất phải “bỏ của chạy lấy người” sau khi trúng đấu giá và không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Tại các địa phương khác như: Quảng Xương, Thiệu Hóa, Nông Cống, Yên Định... các UBND huyện này đều phải chấp nhận ban hành các quyết định hủy kết quả trúng đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc, chuẩn bị cho đấu giá lại các mặt bằng.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến các “nhà đầu cơ” đất buộc phải “cắn răng” bỏ số tiền cọc không nhỏ đã đặt trước đó để tháo chạy? Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Tài chính huyện Thọ Xuân lý giải: “Họ buộc phải chấp nhận bỏ tiền cọc, “thua non” thay vì phải oằn lưng gồng gánh trả lãi khi phải tiếp tục huy động vốn để hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho nhà nước. Có một điều tối kỵ mà họ không tránh được là khi đẩy giá lên quá cao, đất tại các mặt bằng ở nông thôn sẽ rất khó bán lại được. Kèm theo đó rủi ro do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của toàn xã hội… Họ đã tự rơi vào cái bẫy mà chính họ đã nhọc công giăng ra trước đó”.
Xã “ngậm quả đắng”
Có thể thấy, việc các nhà đầu cơ đất chấp nhận bỏ tiền cọc tại các mặt bằng mà họ đã trúng đấu giá là hệ lụy gần như đã được dự báo. Không những thế, nó còn gây ra hậu quả khá nghiêm trọng với các địa phương - nơi có các mặt bằng được đem ra đấu giá.
Ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh cho biết: Hiện tại xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nguồn kinh phí đều dựa vào việc bán đất, vậy mà đổ bể hết cả. Ngay bây giờ nếu có tiến hành đấu giá lại, thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với những trường hợp sau khi trúng đấu giá sẽ mất một khoảng thời gian nữa. Kế hoạch về đích nông thôn mới nâng cao của Xuân Sinh năm nay coi như bỏ.
Còn ông Đỗ Tất Vũ, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn cho hay: Kế hoạch của chúng tôi năm nay là hoàn thiện hệ thống trường tại các cấp học, đồng thời củng cố, nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được. Bán đất không thành đồng nghĩa với việc phải gác lại mọi việc. Đành phải chờ đấu giá lại vậy.
Theo ông Đỗ Tất Vũ, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn (huyện Hậu Lộc, tỉnhThanh Hóa), việc người trúng đấu giá không chịu nộp tiền theo hạn định khiến huyện phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá, thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ đã làm ảnh hưởng đến thu ngân sách của xã. Bên cạnh đó, sau khi giá đất bị đẩy lên cao, đã khiến việc định lại giá và tham gia đấu giá của người dân gặp rất nhiều khó khăn, người dân có nhu cầu sử dụng thực tế rất khó tiếp cận.