Hiểm nguy rình rập từ những ‘hung thần AA’
Không mũ bảo hiểm, kẹp 3, dàn hàng ngang, phóng nhanh, lạng lách... là hình ảnh không khó bắt gặp ở những cô cậu học sinh trên nhiều tuyến đường của tỉnh Hải Dương, trở thành nỗi ám ảnh cho người dân khi tham gia giao thông.
Phân khối nhỏ, nỗi lo lớn
Thời gian gần đây, nhiều gia đình ở tỉnh Hải Dương lựa chọn xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 (đăng ký biển kiểm soát AA) để con em của họ đến trường.
Vào đầu giờ sáng, lưu lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường của TP Hải Dương luôn rất đông. Người ta không khó để bắt gặp các tốp học sinh THCS, THPT mặc đồng phục điều khiển xe máy điện, xe máy đi hàng 2, hàng 3 trên đường, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, lao vun vút giữa dòng xe tấp nập rất nguy hiểm.
Tình trạng học sinh điều khiển phương tiện không đảm bảo các quy định về an toàn giao thông không chỉ xuất hiện ở TP Hải Dương mà còn có ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Ngoài giờ học, một số học sinh, thanh niên còn tụ tập thành nhóm trên những đoạn đường vắng tổ chức đánh võng, bốc đầu, chạy xe với tốc độ cao.
Tìm hiểu được biết, mặc dù dung tích xi-lanh của loại xe này là dưới 50 cm3 nhưng tốc độ có thể đạt từ 40-60km/giờ, có những phương tiện còn được “độ” lên để chạy với tốc độ cao hơn. Với tốc độ này nếu người điều khiển không cẩn trọng thì hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.
Đơn cử là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 em học sinh cùng gặp nạn vào đầu tháng 6 vừa qua trên địa bàn huyện Tứ Kỳ. Tối ngày 3/6, 2 em học sinh lớp 9 và 1 em học sinh lớp 10 ở xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ chở nhau trên một chiếc xe máy. Khi lưu thông đến QL37 đoạn qua xã Đại Hợp thì bất ngờ mất lái và đâm xuống mương nước ven đường. 1 em tử vong, 2 em còn lại bị thương phải nằm viện để điều trị.
Bất cập trong quản lý
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 21.000 mô tô, hơn 5.400 xe máy điện đăng ký mới, nâng tổng số phương tiện lưu thông lên 1.283.790 phương tiện đang lưu thông. Đã có 26 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, xe mô tô xảy ra. Trong đó có 24 vụ, người điều khiển phương tiện dưới 18 tuổi.
Một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý các phương tiện xe máy dưới 50cm3 ở Hải Dương gặp khó khăn là do ý thức người điều khiển phương tiện còn kém. Các em đang trong độ tuổi mới lớn, thích thể hiện cá tính mạnh, thiếu kỹ năng điều khiển xe, xử lý tình huống và nhận thức về Luật Giao thông đường bộ. Trong khi đó, một số phụ huynh còn thờ ơ, buông lỏng quản lý, thậm chí còn tạo điều kiện để con em có xe máy đến trường.
Dù cảnh sát giao thông đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm nhưng do chế tài xử lý các vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và còn nhiều bất cập. Theo quy định, người điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 không cần giấy phép lái xe. Ðiều này có nghĩa người điều kiển xe biển AA chưa được đào tạo kỹ năng lái xe, chưa hiểu luật giao thông dẫn đến dễ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, Ðiều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định; người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Nhưng thực tế, rất nhiều học sinh dưới 16 tuổi vẫn điều khiển loại xe này. Theo quy định tại Ðiều 21 Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới thì người dưới 16 tuổi điều khiến phương tiện vi phạm sẽ không bị phạt tiền mà chỉ bị phạt cảnh cáo; còn đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải nộp 50% tiền phạt áp dụng với người thành niên. Hình thức và mức phạt như trên là không đủ tính răn đe.