Ẩn họa từ những ‘bom nợ’

H.Hương 02/10/2021 06:15

Doanh nghiệp bất động sản đang rầm rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất rất cao. Song, theo các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng từ Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp có thể mất khả năng chi trả, đẩy trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh đầu tư nhiều rủi ro.

“Quả bom” Evergrande

Cuộc khủng hoảng nợ tại Tập đoàn bất động sản (BĐS) hàng đầu Trung Quốc Evergrande đã làm cho nền kinh tế toàn cầu gợn sóng. Evergrande nguy cơ sụp đổ vì khủng hoảng thanh khoản với “bom nợ” 300 tỷ USD (tương đương gần 87% tổng tài sản doanh nghiệp (DN) tính đến cuối năm 2020). “Quả bom” Evergrande bộc lộ một vấn đề bất cập là DN BĐS tăng trưởng nóng dựa vào vay vốn.

Nhìn từ “quả bom” này, không thể không đặt vấn đề đối với thị trường trái phiếu tại Việt Nam, khi thời gian gần đây DN BĐS huy động vốn qua kênh trái phiếu rất lớn. Tỷ trọng phát hành trái phiếu của các DN BĐS luôn chiếm ở mức khá cao (38%-44%) trong tổng số lượng phát hành. Chỉ tính riêng tháng 8/2021, hàng loạt DN BĐS lớn đã thông báo huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.

Tháng 6/2021, nhà đầu tư cá nhân, ông N.Đ.T. (Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) đã rút sổ tiết kiệm 130 triệu đồng tại Ngân hàng để mua trái phiếu DN BĐS có trụ sở ở Mỹ Đình với lãi suất 10,5%/năm (sau khi trừ thuế, phí). Ông N.Đ.T. cho biết, lý do ông chuyển hướng đầu tư mua TPDN là vì lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Cụ thể quyển sổ tiết kiệm 130 triệu ông từng gửi ở ngân hàng kỳ hạn 18 tháng chỉ có lãi suất 6,8%/năm. Trong khi đó ông T. thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại, mời đầu tư trái phiếu của DN BĐS với lãi suất lên 11% - 12% /năm.

Câu chuyện phát hành trái phiếu bất động sản thực chất “nóng” lên từ 2 năm qua, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tăng hệ số rủi ro đối với lĩnh vực cho vay bất động sản. Để đảm bảo nguồn vốn tài trợ và phát triển dự án, hàng loạt DN BĐS đã tìm đến kênh trái phiếu, với số lượng phát hành ngày một gia tăng.

Nhiều DN BĐS đang chạy đua quảng cáo, mời đầu tư mua trái phiếu. Chẳng hạn trên trang web của Tập đoàn T.H.M. quảng cáo ra mắt gói trái phiếu mới nhất, có tài sản đảm bảo lớn, an toàn và uy tín với lãi suất cao 12%/năm với mức mua tối thiểu là 100 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần H.P.T. công bố đã thu về 3.130 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu tiên lên tới 13,65%/năm...

Theo các chuyên gia, thực chất, trái phiếu DN là một khoản vay của DN, có thể được bảo lãnh phát hành bởi ngân hàng thương mại hoặc dựa vào uy tín của chính DN đó hoặc tài sản bảo đảm là cổ phiếu của chính DN phát hành… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, điều này sẽ mang đến nhiều rủi ro với các nhà đầu tư mua trái phiếu của những DN này.

Rủi ro tăng cao

Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng ở mặt bằng thấp thì kênh đầu tư trái phiếu với lãi suất 8%-10%/năm đang có sức hút đối với nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, lãi suất cao đương nhiên đi cùng rủi ro lớn.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, rủi ro của thị trường trái phiếu DN thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao hay nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty BĐS mà không có tài sản bảo đảm. Hầu như các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu DN không thể biết tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích không, họ cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thế rủi ro rất cao.

Theo phân tích của ông Hiếu, gần đây, có một số trái phiếu DN mới phát hành còn được bảo đảm bằng cổ phiếu của các nhà phát hành. Song nếu DN phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của DN gặp rủi ro, giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị.

Ngoài ra, rủi ro của thị trường trái phiếu DN đang tăng lên với những DN chưa niêm yết, DN có quy mô nhỏ và vừa, tình hình tài chính không khả quan và nhất là không có xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn huy động vốn thành công.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài Chính) thừa nhận, thị trường trái phiếu thời gian tới có thể sẽ rủi ro hơn vì DN đang ngày càng khó khăn hơn. Trong công văn mới đây, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Vụ Tài chính ngân hàng tăng cường giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu DN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các DN nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng.

H.Hương