Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu: Học giả hàng đầu của nhiều ngành khoa học
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu (1916-2021), một học giả hàng đầu của nhiều ngành khoa học xã hội vừa từ trần ở tuổi đại thượng thọ (106 tuổi). Cuộc đời ông có nhiều cống hiến, sức làm việc ngay cả khi đã ở vào cái tuổi của cõi trăm năm…
Bình sinh, ở vào tuổi ngấp nghé 100 tuổi, bậc học giả Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu - Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996, cây đại bút của hàng chục bộ sách tầm cỡ như: Đẹp, Anh hùng và nghệ sĩ, Cách mạng và nghệ thuật, Bàn về văn hiến Việt Nam, Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng và văn hóa, Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, Văn hiến Thăng Long... vẫn đọc, dịch, nghiên cứu, sáng tác.
Trong buổi lễ mừng thượng thọ 98 tuổi của ông tổ chức tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013, GS Vũ Khiêu từng hào hứng tuyên bố: “Trước sự cổ vũ của bạn bè, hôm nay, tôi lại xin bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi. Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của Trời. Tôi chỉ biết hứa với bè bạn yêu quý của tôi là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó”. Ông đã nói là làm, và khởi động những công trình hằng tâm đắc nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được trước đây như các công trình về Nho giáo, Phật giáo, nhất là Phật giáo đại thừa và về văn học cổ Việt Nam, những công trình đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, với niềm tin rằng bây giờ ông vẫn đủ thời gian để hoàn thành.
Không phải ngẫu nhiên mà GS Vũ Khiêu trang trọng treo trong căn phòng làm việc ở nhà ông một chữ “Trí” thật to đẹp, ở dưới là câu nói của Khổng Tử: “Sinh nhi Tri, học nhi Tri, khốn nhi Tri” (con người sinh ra đã khao khát tri thức, học hành là để có tri thức, rồi khốn khổ cũng vì tri thức). “Trí” là mục tiêu phấn đấu trọn đời của ông, là công việc hàng ngày của ông, bất chấp mọi trở lực chủ quan và khách quan. Nhưng với GS Vũ Khiêu, mục tiêu cuộc đời không chỉ có một chữ “Trí” và chữ “Trí” chỉ đẹp khi đi kèm với chữ “Tâm”. Ai cũng biết, GS Vũ Khiêu là một trí thức trung thành, bền bỉ phấn đấu theo vẻ đẹp của hai chữ “Trí”, “Tâm”.
GS Vũ Khiêu còn được mến mộ vì ông không hề là một học giả “tháp ngà” hay “nô bộc” mà là một học giả tôn trọng cuộc sống, một học giả cách mạng phóng khoáng. Ở nước ta, ông được xem là giáo sư hàng đầu của hàng loạt lĩnh vực khoa học xã hội như triết học, mỹ học, xã hội học, văn hóa học… nhưng các công trình của ông trong các lĩnh vực này không bao giờ là những lý luận giáo điều, tư biện mà là những gì đã được kiểm nghiệm trong cuộc sống, phong phú và tươi xanh như cuộc sống.
Đối với ông Vũ Khiêu, khoa học xã hội không phải là cái gì xa xôi, cao siêu mà thực ra rất gần gũi quen thuộc bởi là những điều được khám phá tổng kết từ chính cuộc sống con người. Cuốn Đẹp hơn 50 năm trước của ông bị phê phán kịch liệt do đã tiếp cận được lý luận mỹ học tiên tiến của nhà mỹ học lỗi lạc người Hungari Lucas, nhận diện cái đẹp trên cơ sơ chân thiện mỹ của cuộc sống, vượt qua mọi rào cản giả dối, bất cập của lý luận công thức.
Đã 20 năm nay, ngoài nghiên cứu khoa học, GS Vũ Khiêu còn là người viết phú, câu đối, các bài minh trên chuông khánh, văn tế, văn bia, chúc văn… rất nổi tiếng. Không phải là người có vốn chữ Hán và văn học cổ uyên thâm, nhưng do rất chịu mày mò nghiên cứu học hỏi, ông Vũ Khiêu đã nhận thấy giá trị to lớn của các thể văn biền ngẫu cổ và quyết làm sống lại nó trong cuộc sống hiện đại. Hàng trăm áng văn của ông thuộc các thể văn này đã ra đời và rất được yêu thích.
Cuối năm 2010, ông tự bỏ tiền túi ra in cuốn sách Trường Sơn máu lửa, vạn đại anh hùng tập hợp các áng văn về đề tài Trường Sơn và anh hùng liệt sĩ và tặng hàng vạn bản cho các nghĩa trang, các đền thờ, các di tích liên quan đến anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khắp 63 tình thành trong cả nước.
Có thể các áng văn cổ thể của GS Vũ Khiêu không phải bài nào cũng hay, các nhà Hán học vẫn có thể bắt bẻ ông đôi chỗ về chữ nghĩa niêm luật ở một số bài, nhưng không thể không công nhận ông là người viết nhiều và có nhiều áng văn cổ thể xúc động lòng người, được nhiều đối tượng yêu thích truyền tụng nhất. Tự tạo ra một lĩnh vực văn chương mà mình có thể thỏa sức tung hoành, độc chiếm bảng vàng từ tuổi “thất thập cổ lai hy” như ông là điều hiếm người làm được…
Bằng tình yêu cuộc sống, sự say mê khoa học, tinh thần lao động bền bỉ, khát khao đóng góp không mệt mỏi cho cuộc đời cộng với chút ưu ái của tạo hóa, ở ngưỡng cửa của cõi trăm năm, quả Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã vượt qua nhiều giới hạn của một đời người, đem sự sống, mùa xuân tới cõi trăm năm. Bởi thế dễ hiểu vì sao, đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, ông đã trở thành một biểu tượng đầy sức chinh phục của văn hóa Việt...