Cơ hội cho các trường cao đẳng
Thí sinh có thể căn cứ vào đó để lựa chọn các ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân đồng thời có đầu ra tốt, dễ xin việc.
Theo dự báo 5 nhóm ngành nghề bậc cao đẳng cần nhiều nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 2021-2030 mà các thí sinh có thể tham khảo bao gồm: Các ngành công nghệ thông tin; Các ngành cơ khí - điện - điện tử - điện lạnh - ô tô - hàn; Các ngành thiết kế đồ họa - thiết kế thời trang - may thời trang; Các ngành xây dựng - vật liệu - môi trường; Các ngành công nghệ thực phẩm - công nghệ sinh học - hóa - bảo vệ thực vật - thú y.
Đây là thông tin được ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP H CM cho biết. Thí sinh có thể căn cứ vào đó để lựa chọn các ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân đồng thời có đầu ra tốt, dễ xin việc.
Đây chính là cơ hội cho các trường cao đẳng hút thí sinh. Thay vì đào tạo cái trường sẵn có, việc đổi mới đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội cần với nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng sẽ khiến các trường không phải chật vật tuyển sinh mà được thí sinh chủ động tìm đến ghi danh. Tất nhiên, yêu cầu tiên quyết là quá trình đào tạo phải đảm bảo chất lượng chứ không phải mở ra cho có còn chất lượng bỏ ngỏ thì chỉ “ăn xổi” được 1, 2 khóa học viên. Sau đó, khi thị trường không chấp nhận thì việc tuyển sinh sẽ lại lâm vào khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến thương hiệu nhà trường đã xây dựng nhiều năm.
Lãnh đạo một cơ sở GDNN nhận định phần lớn thí sinh muốn vào các trường thuộc khối GDNN đều xác định sẽ đi con đường này ngay từ trước khi thi tốt nghiệp THPT. Bởi hiện nay, việc trượt đại học là khó khi một thí sinh có thể đăng ký tới vài chục nguyện vọng.
Bên cạnh đó là các hình thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển bằng các kỳ thi riêng… nên thí sinh dù trượt nguyện vọng 4, 5 vẫn có cơ hội vào đại học ở hàng loạt các nguyện vọng dự phòng khác. Chưa kể các đợt xét tuyển bổ sung có thể kéo dài tới tháng 12 nên để thí sinh chuyển hướng từ đại học sang cao đẳng là cả một vấn đề, trong đó vai trò truyền thông của các trường khối GDNN rất quan trọng.
Làm sao để người học quan tâm, sau đó tìm hiểu và cuối cùng lựa chọn học nghề một cách tự nguyện thay vì “học đại” đại học dù không thấy phù hợp với bản thân là câu chuyện đòi hỏi nỗ lực không chỉ của các trường nghề mà phải là giải pháp tổng thể, trong đó có việc phân luồng từ bậc học phổ thông.
Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp được thực hiện trực tuyến nên cần phải thay đổi cách thức truyền thông, trường tìm đến thí sinh qua các kênh website, Facebook… cần được đẩy mạnh.