Gỡ khó bay nội địa
Việc phát triển du lịch nội địa hiện đang vướng khó khăn do một số địa phương “chưa thông” với việc chấp thuận những chuyến bay. Cụ thể, mới đây, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị tiếp tục dừng các chuyến bay, chuyến tàu đến Hà Nội.
Trước thông tin Hà Nội chưa muốn đón nhận các chuyến bay nội địa, đại diện một doanh nghiệp du lịch cho rằng, khi vaccine đã được phủ đến tất cả các xã, phường thì Hà Nội có thể tính dần đến phương án mở cửa cho khách tỉnh, thành khác.
Khách bay đến Hà Nội không chỉ dừng lại mà còn có thể đi du lịch nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Du lịch được xác định là một ngành kinh tế, lại là một ngành kinh tế mũi nhọn thì cũng nên được tạo điều kiện như các doanh nghiệp sản xuất khác.
Còn theo TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, việc nghiên cứu để khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ là cần thiết khi tỷ lệ người dân được tiêm vaccine từ 1 - 2 mũi ngày càng tăng.
“Thực tế nhiều người dân vẫn đang đi ô tô từ địa phương này sang địa phương khác. Không có lý do gì hàng không lại chưa thể mở lại được, nhất là hàng không còn có những quy trình an toàn và chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu các địa phương yêu cầu nhiều thủ tục hoặc yêu cầu cách ly tập trung dài ngày thì rất khó mở cửa trở lại. Nên tạo điều kiện, từng bước nới lỏng cho người dân đi lại”, ông Nề gợi mở.
Để tháo gỡ, ngày 2/10, Cục Hàng không Việt Nam gửi công văn đến UBND TP Hà Nội xin ý kiến về việc mở lại đường bay nội địa. Văn bản do Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường ký nêu rõ: “Sau khi trao đổi với Sở GTVT TP Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam gửi UBND TP Hà Nội văn bản xin ý kiến địa phương kèm phụ lục kế hoạch khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1”, dự kiến áp dụng từ 5/10/2021 với các thông tin về đường bay, hãng khai thác, tần suất đi/đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài".
Trước đó, Cục Hàng không VN cũng gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương dự thảo kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1 để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động.
Đáng chú ý, trong kế hoạch này, tiếp thu kiến nghị của TP Hà Nội (Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng kiến nghị dừng các hoạt động bay thương mại đi, đến), nên Cục Hàng không Việt Nam không lấy ý kiến từ phía Hà Nội.Tuy nhiên, trong dự thảo với các chặng bay từ các địa phương khác, Cục Hàng không Việt Nam vẫn đưa hành trình đến Hà Nội để chủ động xin ý kiến của các địa phương về việc nối chuyến đến Hà Nội, tới khi Hà Nội sẵn sàng sẽ tăng tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bay.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.
Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, TP HCM khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay.
Từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) đi và đến các địa phương khác là 23 chuyến bay khứ hồi/ngày; Hải Phòng là 20 chuyến khứ hồi/ngày; Thanh Hoá khôi phục 6 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày; Cần Thơ khôi phục 7 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày.
Nghệ An khôi phục 7 đường bay với 19 chuyến khứ hồi/ngày; Đắk Lắk khôi phục 6 đường bay với 14 chuyên khứ hồi/ngày; Khánh Hoà khôi phục 6 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày. Thừa Thiên-Huế khôi phục 3 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày; Kiên Giang khôi phục 8 đường bay với 24 chuyến khứ hồi/ngày; Gia Lai khôi phục 4 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày.
Một số địa phương khác như Phú Yên khôi phục 2 đường bay với 7 chuyến khứ hồi/ngày; Bình Định khôi phục 3 đường bay với 5 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Nam khôi phục 2 đường bay với 8 chuyến khứ hồi/ngày; Bà Rịa -Vũng Tàu khôi phục 5 đường bay với 15 chuyến khứ hồi/ngày; Quảng Bình khôi phục 2 đường bay với 6 chuyến khứ hồi/ngày. Riêng Quảng Ninh và Điện Biên đề nghị khôi phục 1 đường bay.