Dồn lực để vùng núi ‘bắt kịp’ vùng xuôi
Tuy số lượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không lớn, nhưng với tỉnh Vĩnh Phúc, bảo đảm nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc Tày, Sán Chay, Sán Dìu… có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Bởi chỉ khi cuộc sống của đồng bào được nâng lên, mọi phong trào, cuộc vận động mới thực sự có ý nghĩa. Đó là lý do Vĩnh Phúc dồn lực cho các xã có đồng bào DTTS ở vùng núi, để cuộc sống bà con “bắt kịp” vùng xuôi. Ông Vũ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc và công tác dân tộc ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Ông Vũ Văn Bằng: Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng DTTS và miền núi luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cũng như của tỉnh Vĩnh Phúc. Những năm qua, vùng đồng bào DTTS của tỉnh được quan tâm, đầu tư nhiều chương trình, dự án.
Ngoài 8 nhóm chính sách chung đối với đồng bào DTTS của tỉnh, các chính sách của Đảng, Nhà nước đều được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi năm sau luôn cao hơn năm trước, do đó tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi trong tỉnh giảm đáng kể. Đặc biệt, bà con vùng đồng bào DTTS luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong các hoạt động chung, bà con luôn yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Trong những năm qua, kinh tế của đồng bào DTTS đã có chuyển biến tích cực, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tăng cao, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Nhờ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Ông có thể cho biết, để đạt được kết quả trên, ngoài những chính sách chung của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm chỉ đạo và ban hành những cơ chế, chính sách như thế nào cho đồng bào dân tộc nói chung và DTTS nói riêng?
- Bên cạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm chính sách của Trung ương đối với vùng DTTS và đồng bào DTTS, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung nguồn lực thực hiện quyết liệt, xây dựng các cơ chế đặc thù nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS. Việc thực hiện tốt các nhóm chính sách này nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện chính sách dân tộc cũng như tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế vùng đồng bào DTTS.
Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án cụ thể để thực hiện 8 nhóm chính sách bằng các dự án cụ thể. Trong đó tập trung chủ yếu vào các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng thiết yếu trong Chương trình 135; thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn… Qua đó, đã góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc cũng luôn thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có uy tín như tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào các DTTS; tổ chức hội nghị gặp mặt, cung cấp thông tin.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực hiện tốt các chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 bằng nhiều dự án cụ thể như: Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đào tạo nghề, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn vùng DTTS và miền núi…
Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao Khoa học kỹ thuật, trợ giúp pháp lý, cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với học sinh các trường Dân tộc nội trú...
Quan tâm đến miền núi không chỉ bằng vốn đầu tư mà cần có chính sách thu hút người giỏi về đây công tác, ông nghĩ sao về điều này?
- Theo tôi, đây cũng là một trong những giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.Thời gian qua, tỉnh cũng đã tập trung thực hiện đồng bộ công tác đào tạo, quản lý nguồn nhân lực là người DTTS, có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ người DTTS ở các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Không dừng lại ở đó, tỉnh Vĩnh Phúc còn luôn quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi, giới thiệu các cá nhân tiêu biểu là người DTTS tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND, tham gia Ủy viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam và Ban Chấp hành các tổ chức Chính trị - Xã hội các cấp; thường xuyên kiện toàn tổ chức, tăng cường số lượng, chất lượng và chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động đội ngũ cán bộ có năng lực, uy tín trong vùng đồng bào DTTS, đảm bảo các điều kiện hoạt động cũng như thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ vùng đồng bào DTTS.
Để phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như để bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số cần được quan tâm và thực hiện như thế nào?
- Tôi cho rằng, để thực hiện tốt vấn đề này cần tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua nhiều hình thức phù hợp với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của từng dân tộc. Bên cạnh đó, cần mở rộng các hoạt động cộng đồng do MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tổ chức nhằm tập hợp, thu hút đông đảo đồng bào các DTTS tham gia. Qua những hoạt động đó sẽ góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như giữ gìn, phát huy bản sắc các dân tộc.
Ngoài ra, để góp phần phát huy nội lực của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư trong đồng bào DTTS rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay của toàn xã hội để vừa xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vừa bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trong giai đoạn hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!