Ăn uống như thế nào nhanh hồi phục sau khi khỏi Covid-19
Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh và bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3: Với người bệnh có di chứng sau mắc Covid-19 như mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở, vấn đề về da, tiêu hóa... việc duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống và tập luyện là rất cần thiết cho quá trình phục hồi.
Ở giai đoạn bệnh, mức chuyển hóa cơ bản tăng 10% khi có sốt, khó thở, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng cần để bù đắp cho sự chuyển hóa đó cần được duy trì kể cả khi đã qua giai đoạn nhiễm cấp. Số bữa ăn trong ngày có thể chia 3-5 bữa tùy theo sức ăn của người bệnh.
Nên kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn. Đối với người có hội chứng chuyển hóa, lượng chất béo nên dưới 25%. Trong đó, người không bị rối loạn mỡ máu thì lượng cholesterol ít hơn 300 mg/ngày, người có rối loạn mỡ máu thì lượng cholesterol dưới 200 mg/ngày.
Người có rối loạn chuyển hóa đường, ưu tiên kết hợp với những nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như kiwi, gạo lứt, củ từ, đậu trái. Nên cung cấp chất xơ 20-30 g một ngày, lượng rau quả 400-500 g mỗi ngày.
Hình thức chế biến nên hạn chế chiên xào nhiều dầu mỡ. Nên kèm thêm các món súp xay, canh hầm cùng với xương, các loại đậu, hạt sen, đại táo, câu kỷ tử... để giúp tiêu hóa tốt hơn.
Trong các nguyên tố vi lượng, nên bổ sung thêm kẽm ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng: mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng. Với dạng viên uống có thể bổ sung 30-100 mg kẽm nguyên tố/ ngày kéo dài 2-3 tháng tùy tình trạng cơ thể.
Kẽm có trong các loại thức ăn như: hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá... Ngoài ra nên bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu kẽm.
Nếu các triệu chứng kéo dài, cản trở sinh hoạt và tinh thần, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.