Nước Đức tìm Thủ tướng mới
Trong tuần, một sự kiện thu hút sự chú ý của quốc tế chính là cuộc bầu cử Quốc hội Đức, vì đây là thời điểm quan trọng khi Berlin và phần còn lại của châu Âu bước vào thời kỳ “hậu Merkel”.
Nước Đức là một lực lượng mạnh mẽ trong nền chính trị châu Âu, có xu hướng định hình các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) khi được coi là quốc gia đầu tàu dẫn dắt EU. Cuộc đua đầy kịch tính vào Quốc hội cũng có nghĩa là nắm vị trí Thủ tướng trong cuộc bầu cử lần này ở Đức được cho là phức tạp nhất trong vòng 70 năm, khi bà Merkel chính thức rút khỏi vị trí sau 16 năm nắm quyền.
Suốt 4 nhiệm kỳ liên tục lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lớn thứ 4 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản), Thủ tướng Angela Merkel đã gây dựng được tầm ảnh hưởng lớn vì không chỉ dẫn dắt nước Đức mà còn cả EU vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn.
Đức hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới và là hình mẫu trong việc cung cấp mạng lưới an ninh xã hội, chào đón người tị nạn và theo đuổi tham vọng chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Bà Merkel cũng được cho là đem đến niềm tin và sự bình tĩnh cho người dân Đức khi đưa ra những chủ trương đúng đắn giúp nước Đức kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt hơn so với nhiều nước châu Âu khác.
Với vị trí dẫn dắt EU, bà Merkel trên thực tế đã là người đại diện cho châu Âu trên trường quốc tế và là nhà trung gian đầy quyền lực của EU thông qua những cuộc đàm phán khó khăn, trong đó có đàm phán để nước Anh rời khỏi EU (Brexit).
Cuộc đua gay cấn
Trở lại với cuộc bầu cử Hạ viện Quốc hội Đức, ngày 26/9, kết quả cho thấy lần đầu tiên kể từ những năm 1950, các đảng phái ở Đức sẽ phải lập liên minh 3 bên mới có hy vọng thành lập được chính phủ, bởi chiến thắng vẫn chưa ngã ngũ. 2 đảng về đầu là SPD (đảng Dân chủ xã hội Đức) và CDU (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo) vẫn có cơ hội thương lượng với các đảng khác để lập liên minh giành quyền lãnh đạo đất nước, tuy họ chỉ về thứ hai trong cuộc bầu cử. Với 24,1%, lần đầu tiên đảng CDU Thủ tướng Angela Merkel chỉ được dưới 30% số phiếu bầu của cử tri.
Tuy nhiên, ông Armin Laschet - người được giới thiệu tranh cử - vẫn tự tin khẳng định được cử tri ủng hộ và tìm cách liên minh với các đảng khác để lập chính phủ.
Đối thủ của ông Laschet là Olaf Scholz - thuộc đảng SPD về đầu với 25,7% số phiếu.
Như vậy, để thành lập Chính phủ, rất có thể CDU, SPD phải bắt tay với đảng Xanh. Nếu vậy, giới quan sát cho rằng nếu như ông Olaf Scholz trở thành Thủ tướng sẽ phải trải qua những cuộc thương thuyết kéo dài (hiện kỷ lục thương thuyết để có được Thủ tướng mới của Đức từng kéo dài 171 ngày sau khi cuộc bầu cử Quốc hội kết thúc). Và như vậy, trong tình thế ấy, bà Angela Merkel vẫn tiếp tục làm Thủ tướng cho đến khi chính thức tìm ra Thủ tướng mới.
Do tính chất phức tạp và cuộc đua gay cấn bầu chọn Thủ tướng mới cho nước Đức, không chỉ châu Âu mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng hồi hộp dõi theo. Tuy nhiên, hầu hết những phát ngôn đưa ra vào lúc này là “phát ngôn mở”.
Ví dụ, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Nga nói rằng Moscow mong muốn tiếp tục quan hệ tốt với Berlin vì chính quyền Nga luôn coi nước Đức là “lãnh đạo không chính thức của Liên hiệp châu Âu”.
Còn tại Washington, bà Jalina Porter - một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định Hoa Kỳ muốn duy trì “quan hệ đối tác vững mạnh” với chính phủ tương lai của nước Đức về nhiều “hồ sơ then chốt” mà đôi bên cùng quan tâm.
Một liên minh “ôn hòa” thời “hậu Merkel”?
Nhận xét về kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Đức, nhiều tờ báo Pháp đều chung nhận xét đây là cuộc đua gay cấn “tầm thế kỷ”. Nhật báo kinh tế Les Echos cũng như tờ Le Figaro đều cùng chung nhận xét là kết quả bầu cử Quốc hội Đức đã có, nhưng đáp án cuối cùng cho ghế Thủ tướng thì chưa.
Còn tờ Libération thì nhấn mạnh: “Các thương thuyết để thành lập liên minh tại Bundestag (tức Hạ viện Đức) hứa hẹn sẽ kéo dài, cho dù kết quả bầu cử đã đánh dấu sự tái sinh của đảng cánh tả Xã hội - Dân chủ (SPD) của Olaz Scholz, và thất bại của đảng cánh hữu Dân chủ -Thiên chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel và ông Armin Laschet”.
Vẫn theo Le Figaro, cuộc chiến thành lập liên minh là “đầy bất trắc” trong lúc hai ứng cử viên hàng đầu gần như ở vị thế ngang bằng, sau cuộc bỏ phiếu ngày 26/9. Có nghĩa là 60,4 triệu cử tri Đức đã dành sự ủng hộ gần như ngang bằng cho hai ứng viên đảng CDU và SPD.
Từ đó, giới quan sát cho rằng rất có thể xuất hiện khả năng sẽ có một liên minh “ôn hòa” thời “hậu Merkel”, do cần có một thỏa hiệp mới có thể được phép cầm quyền. Xuất phát từ vị trí của mình, Chính phủ mới của nước Đức không chỉ đáp ứng tốt những đòi hỏi trong nước mà còn phải đảm đương nhiều trách nhiệm hơn trong cuộc cạnh tranh quốc tế đang ngày càng trở nên quyết liệt, nhất là khi bất cứ quốc gia nào cũng đều muốn nhanh chóng vượt thoát cuộc khủng hoảng khi mà đại dịch Covid-19 đã và đang dần được kiểm soát.
“Tình thế chưa từng có” - đó là nhận xét trên tờ Les Echos khi đặt vấn đề “các thương thuyết thành lập liên minh cầm quyền tương lai của nước Đức sẽ diễn ra thế nào?” khi mà khi lần đầu tiên đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội nước này đã không vượt quá 1/3 tổng số phiếu bầu. Điều này khiến cho việc lập được chính phủ mới phải có được sự ủng hộ của 3 đảng, chứ không phải 2 như trước đây.
“Chưa bao giờ nước Đức rơi vào tình thế này, kể từ Thế chiến thứ hai” - nhận xét của Les Echos, đồng thời đặt câu hỏi: Vậy thì ai sẽ là Thủ tướng mới của nước Đức?
Tại thời điểm này, các cuộc thăm dò cho thấy rất khó đoán ai sẽ là lãnh đạo mới ở Đức sau kỷ nguyên Angela Merkel. Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy, trong số 3 ứng cử viên cạnh tranh vị trí Thủ tướng thì ông Olaf Scholz thuộc Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đang dẫn đầu cuộc đua.
Bám đuổi quyết liệt là ông Armin Laschet, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU). Ứng viên Annalena Baerbock của Đảng Xanh đứng ở vị trí thứ 3. Trong đó, ông Scholz là người có ưu thế do đang là Phó Thủ tướng. Trong khi đó, ông Armin Laschet nhận được sự ủng hộ của bà Merkel.
48 giờ trước cuộc bỏ phiếu (ngày 26/9), bà Merkel đưa ra thông điệp kêu gọi cử tri ủng hộ ông Laschet. “Ai lãnh đạo đất nước sẽ là vấn đề quan trọng vì Đức cần sự ổn định và giới trẻ cần một tương lai. Ứng viên Armin Laschet là người có thể mang đến điều đó” - đương kim thủ tướng Đức nhấn mạnh. Cũng trong một nỗ lực để thu hút phiếu bầu, bà Angela Merkel đã xuất hiện cùng ông Armin Laschet tại một cuộc vận động ngày 25/9 ở quê hương Aachen của ông.
Vẫn phải chờ xem
Cho tới nay, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cơ hội vẫn “chia đều” cho cả 3 ứng viên hàng đầu. Theo tính toán của Cơ quan bầu cử liên bang Đức (Bundeswahlleiter), với 25,7% phiếu bầu, SPD sẽ có ít nhất 206 ghế tại Quốc hội liên bang (Bundestag). CDU/CSU xếp thứ hai với 24,1% nên sẽ giành được 196 ghế.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm nay, cần nắm được ít nhất 368 ghế trong tổng số 735 ghế mới có thể thành lập Chính phủ.
Vì thế, vai trò của những “đảng nhỏ khác” là rất quan trọng khi mà đảng Xanh đã có được 118 ghế, đảng Dân chủ tự do (FDP) với 92 ghế, đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) 83 ghế và đảng Cánh tả 39 ghế.
Giới quan sát cho rằng, vẫn có thể có một kết cục khi mà SPD - đảng Xanh - FDP bắt tay nhau để có được 416 ghế. Trong trường hợp đảng Xanh lẫn FDP từ chối SPD và bắt tay với CDU/CSU thì liên minh này cũng đủ ghế thành lập Chính phủ.
Theo New York Times, 2 kịch bản kể trên cho thấy quá trình đàm phán giữa các đảng có thể phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng. Nếu vậy, bà Angela Merkel vẫn tiếp tục làm Thủ tướng cho đến khi những cuộc thương thảo ngã ngũ.
Ralf Stegner - chính trị gia thuộc SPD cho rằng, người dân Đức muốn Thủ tướng mới có thể “lấp đầy” khoảng trống của bà Merkel trong cách đối phó với những thách thức quốc tế, nhưng điều đó là không hề đơn giản. Vì thế, tại thời điểm này, thì “chúng ta vẫn phải chờ xem”.
Cộng hòa Liên bang Đức bao gồm 16 bang, tổng diện tích là hơn 357.000 km²; Dân số của nước Đức là 83.896.191 (số liệu của Liên hợp quốc, ngày 1/10/2021). Từ khi thống nhất đến nay (chính thức kể từ ngày 3/10/1990), Đức luôn duy trì vị thế là một cường quốc có nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới (tính theo GDP), lớn thứ 5 toàn cầu theo sức mua tương đương.
Nước Đức cũng dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghiệp nặng và công nghệ cao, là nước xuất khẩu và nhập khẩu đều ở vị trí lớn thứ 3 thế giới. Đức là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1993, là bộ phận của Khu vực Schengen (bao gồm 26 quốc gia châu Âu đã chính thức bãi bỏ tất cả hộ chiếu và tất cả các loại quản lý biên giới tại biên giới chung của họ.
Trong số 27 quốc gia thành viên EU, thì 22 quốc gia tham gia Khu vực Schengen). Nước Đức cũng là đồng sáng lập của Khu vực đồng Euro vào năm 1999. Là thành viên của Liên hợp quốc, nước Đức tham gia NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương), G8 (Diễn đàn 8 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới), G7, G20, Câu lạc bộ Paris và OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).
Thu nhập bình quân đầu người dân Đức năm 2020 là 55.220 USD/năm.