Quảng Nam: Dân kêu trời vì cầu thi công dở dang
Những ngày qua, người dân liên tục phản ánh đến Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam, Quảng Ngãi về việc thi công cầu Sông Lĩnh ì ạch khiến việc đi lại, mưu sinh của bà con gặp nhiều khó khăn.
Cầu Sông Lĩnh nối giữa thị trấn Đông Phú và xã Quế Long, xã Quế Phong, thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, dự án có tổng kinh phí đầu tư hơn 12,8 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam và ngân sách huyện Quế Sơn, do Ban quản lý Dự án và quỹ đất huyện Quế Sơn làm chủ đầu tư.
Cây cầu này có 5 nhịp, mỗi nhịp dài khoảng 9m, tổng chiều dài cây cầu khoảng 45m, rộng khoảng 10m, được thi công cầu Sông Lĩnh từ cuối tháng 2/2021 đến nay.
Ông Lý Xuân Ngọc (56 tuổi), trú thôn Xuân Quê, xã Quế Long cho biết, do cầu Sông Lĩnh cũ xuống cấp nghiêm trọng nên cuối tháng 2/2021, chính quyền cho thi công cây cầu mới Sông Lĩnh. Tuy nhiên việc thi công cầu mới chưa xong, cầu cũ đã phá bỏ khiến người dân đi lại gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại người dân từ xã Quế Phong, Quế Long muốn đi xuống thị trấn Đông Phú phải đi đường vòng trên 15 phút chạy xe máy, còn xe đạp thì phải mất hơn 30 phút mới có thể tới Trung tâm huyện Quế Sơn.
Tội nhất là các cháu học sinh ở xã Quế Long, Quế Phong muốn xuống được Trường THPT Quế Sơn để đi học phải đạp xe đường vòng quá xa, mùa nắng bụi bặm, đường xa đã khổ, còn mùa mưa, bão thì nước ngập qua lại rất nguy hiểm.
“Mới đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và số 6 dẫn đến mưa lớn, nước sông dâng cao, chảy xiết đã làm cuốn trôi đường dẫn tạm, vì vậy mọi người đi từ xã Quế Phong qua đèo Eo Gió rồi mới đi được xuống thị trấn Đông Phú vừa xa, vừa nguy hiểm. Dân chúng tôi chỉ còn nước kêu trời”, ông Ngọc nói.
Còn ông Mai Xuân Sáu (59 tuổi), trú thôn Xuân Quê, xã Quế Long cho rằng: “Việc thi công khiến đường dẫn bị sình lầy. Khối lượng công việc xây cầu cần rất nhiều công nhân, nhưng hiện nay chỉ có vài người ngồi đục đá, họ làm vậy không biết bao giờ cây cầu này mới xong, trong khi mùa mưa bão đã tới. Chưa hết, mỗi lần đơn vị thi công cho nổ mìn phá đá thì cả ngôi nhà tôi và một số nhà dân khác bị rung lắc mạnh, tôi rất lo sợ”.
Theo nhiều người dân địa phương, khi xây dựng cầu, đơn vị thi công đã mở đường dẫn tạm để cho nhân dân, các phương tiện lưu thông qua lại, tuy nhiên do mưa lớn, nước sông đã cuốn trôi mất đường tạm này, vì thế chỉ có cần có mưa lớn, nước sông dâng cao thì không thể nào đi lại được.
Người dân đã đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành cây cầu Sông Lĩnh, sớm bàn giao hoạt động để tạo thuận lợi cho việc đi lại nhân dân.
Ông Hồng Quang Thu (53 tuổi), trú xã Quế Long cho rằng: “Mỗi lần ông chở vật liệu xây dựng công trình phải chạy đường vòng mất gần 10 km, chi phí tăng lên, đi xa, đường hẹp, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Hàng ngày chị em công nhân dệt may, người lao động đi làm lại đoạn đường hết sức khó khăn, còn vào mưa thì quá nguy hiểm”.
Ghi nhận của chúng tôi, tại cầu mới Sông Lĩnh, hiện nay đơn vị mới thi công được 2 nhịp cầu, 1 móng cầu và chưa có đường dẫn nối lên cầu. Đơn vị thi công cũng đang làm lại con đường tạm để làm thay đổi dòng chảy của con sông tạo điều kiện thuận lợi thi công móng, nhịp cầu.
Tại công trường chỉ khoảng 4 công nhân ngồi đục đá và một xe máy múc đang gia cố làm lại đường dẫn tạm cho bà con đi lại. Nhiều phương tiện lưu thông qua lại đoạn đường này đều phải quay đầu đi đường vòng để xuống thị trấn Đông Phú;...
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quế Phong cho biết, trước sự việc hơn 1.000 hộ dân địa phương đi lại khó khăn, nhất là các em học sinh và phải đi đường vòng xa, UBND xã Quế Phong đã làm tờ trình gửi UBND huyện Quế Sơn và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện yêu cầu chủ đầu tư đẩy mạnh việc cầu Sông Lĩnh. Thế nhưng, đến nay UBND xã Quế Phong vẫn chưa thấy đơn vị triển khai thi công.
“Mỗi ngày hàng nghìn lượt người dân ở xã Quế Phong, Quế Long đi buôn bán, vận chuyển vật liệu xây dựng qua lại đoạn cầu này. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm hối thúc đơn vị thi công hoàn thành cây cầu”.
Ông Cao Ngọc Luyến, Phó Ban quản lý Dự án và quỹ đất huyện Quế Sơn cho biết: Nguyên nhân thi công cầu này chậm là, do vướng nhiều đá, nên phải nổ mìn phá đá, đồng thời làm đường tạm để làm thay đổi dòng chảy con sông, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.
"Dự kiến cuối năm 2021, cầu Sông Lĩnh sẽ hoàn thành đưa vào phục vụ cho nhân dân, phương tiện đi qua lại”.
Cũng theo ông Luyến, nguyên nhân đơn vị thi công phá bỏ cầu cũ Sông Lĩnh là vì nếu để lại cầu cũ thì không thể nào có diện tích làm cầu mới. Qua khảo sát địa hình và đánh giá thực tế, chỉ có địa điểm này thuận lợi trong việc thi công cầu mới.