An toàn cho người dân về quê
Ngày 3/10, dòng người dân di chuyển bằng xe gắn máy cá nhân từ TP HCM về các tỉnh miền Tây Nam bộ trên quốc lộ 1A, quốc lộ N2, quốc lộ 50... vẫn khá đông. Nhiều người trong số đó di chuyển từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua TP HCM để về quê.
Hiện một số chốt chặn trên địa bàn TP HCM đã không kiểm soát dòng người di chuyển, chính vì thế tại những địa phương nơi đến việc kiểm tra, kiểm soát y tế là rất quan trọng để phòng, chống Covid-19.
Gian nan đường về nhà
Dừng lại ven đường quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP HCM) để nghỉ ngơi uống nước, ăn bánh mì, anh Trần Văn An, 31 tuổi trú tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết gia đình anh có 4 người di chuyển trên 1 chiếc xe máy.
“Vợ chồng tôi làm công nhân ở bên khu công nghiệp Việt Hương tỉnh Bình Dương. Mấy tháng qua nhà máy tạm dừng, người ta cũng hỗ trợ được ít tiền lương nhưng chưa biết bao giờ mới đi làm trở lại. Tiền dành dụm cũng còn gần 5 triệu đồng nhưng sợ ở phòng trọ nhỏ hẹp, nhỡ bị lây dịch bệnh cho 2 đứa con nhỏ thì tội nghiệp nên hôm qua chúng tôi đi xét nghiệm để có giấy về quê. Đi từ tối nhưng sáng sớm nay mới về tới đây vì kẹt xe ở chốt Dĩ An. Nay dừng lại một chút cho đứa nhỏ uống sữa, ăn chút rồi chạy tiếp. Chắc trưa thì về tới quê” - anh An chia sẻ.
Theo anh An, cả hai vợ chồng anh đều được tiêm 1 mũi vaccine từ 3 tuần trước nhưng anh vẫn không an tâm nếu ở lại, và cho rằng về quê, nhà cách xa nhau sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, về quê dù có phải cách ly hay giãn cách cũng có thể trồng rau, chăn nuôi lại có người thân giúp đỡ phần nào chứ ở trọ thì không ai giúp được.
Tuy nhiên, hầu hết những người trở về quê lần này có hành trình gian nan hơn gia đình anh An khá nhiều. Bởi họ quê ở các tỉnh xa như Kiên Giang, Bạc Liêu hay Sóc Trăng, Cà Mau với quãng đường từ 300-500 cây số. Ngoài ra, những tỉnh thành xa khu vực TP HCM đều có số ca nhiễm Covid-19 rất ít nên việc kiểm soát người di chuyển tới đều gắt gao hơn.
Dòng người xe trở về miền Tây Nam bộ hiện nay hầu hết là công nhân, người nghèo, lao động tự do... Sau khoảng 4 tháng giãn cách và không có việc làm, thu nhập nên đời sống đều rất khó khăn. Dù một số dịch vụ ở TP HCM, Bình Dương... đã được mở trở lại nhưng về cơ bản, việc làm dành cho nhóm người này vẫn chưa có. Đặc biệt, công tác an sinh (gồm trợ cấp tiền, lương thực thực phẩm) dù diễn ra tích cực nhưng không thể phủ sóng toàn bộ hay giúp đỡ trong nhiều ngày. Vì vậy nhiều người quyết định trở về quê một thời gian trước khi quyết định tiếp theo.
Tăng cường kiểm soát tại nơi đến
Hiện nay, người dân di chuyển ở TP HCM hay Long An, Tiền Giang đã được nới lỏng. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành khác ở miền Tây Nam bộ vẫn kiểm soát chặt chẽ dòng người về quê dù đã tiêm 1 mũi vaccine cùng giấy xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19. Nhiều tỉnh thành áp dụng biện pháp cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày với những người này.
Thống kê của tỉnh Bến Tre cho thấy trong 3 ngày từ 1 đến 3/10 đã có 1.623 trường hợp người dân về quê tự phát được đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng phối hợp nhiều đợt để đưa 3.000 người từ chốt cầu Rạch Miễu tới chốt cầu Cổ Chiên (giáp ranh với tỉnh Trà Vinh). Dự kiến trong vài ngày tới, số lượng người dân di chuyển bằng xe gắn máy từ TP HCM hay Bình Dương, Long An... về Bến Tre, Trà Vinh... vẫn tiếp tục diễn ra khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, cho phép di chuyển.
Thời gian qua tỉnh Bến Tre là địa phương kiểm soát khá tốt dịch Covid-19 với khoảng 1.800 ca nhiễm. Trước diễn biến mới về dòng người về quê, tỉnh Bến Tre yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ người dân về tỉnh; tiếp tục trưng dụng các trường học (chủ yếu là trường tiểu học) làm điểm cách ly. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng giao mỗi huyện đảm bảo ít nhất 500 chỗ cách ly, riêng tỉnh sẽ chuẩn bị 1.000 chỗ cách ly, đảm bảo chỗ cách ly tập trung cho khoảng 5.500 người với phương châm dân huyện nào ưu tiên đưa về huyện đó cách ly. Đặc biệt, với một số trường hợp như người già bệnh, phụ nữ sắp sinh và trẻ em nhỏ sẽ được ưu tiên cách ly theo dõi tại nhà cùng các cam kết và theo dõi của chính quyền địa phương ấp, xã.
Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác như Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp... cho biết đã quá tải các khu cách ly cùng việc đảm bảo kiểm soát dịch bệnh Covid-19 do số lượng quá nhiều. Trưa ngày 3/10, một số tỉnh thành miền Tây Nam bộ đề nghị lãnh đạo tạm dừng việc cho người dân di chuyển về quê như ít ngày qua. Cụ thể, đại diện tỉnh Sóc Trăng cho biết trong 3 ngày đã có khoảng 30.000 người dân trở về khiến các khu cách ly quá tải. Nếu người dân tiếp tục trở về sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát trong khi dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn khó lường. Tương tự là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... nơi số lượng người dân trở về cũng lên đến hàng chục ngàn người, gồm cả tự phát lẫn phối hợp.
Chiều ngược lại, TP HCM đã lên kế hoạch đưa người dân nhiều tỉnh thành khác có nhu cầu quay trở lại TP HCM, trong đó đặc biệt là nhóm học sinh, những người chưa có kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19. Thống kê hiện có khoảng 100.000 học sinh TP HCM đang “mắc kẹt” tại các tỉnh thành khác có nhu cầu trở về thành phố.
Theo Sở GTVT TP HCM, toàn bộ phụ huynh có nhu cầu đưa con trở lại cần làm theo hướng dẫn và không tự ý di chuyển bằng xe gắn máy. Theo đó, việc đi lại phải được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép, xác nhận. Phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh (bằng ô tô, đường thuỷ, đường sắt, hàng không); ô tô cá nhân (lái xe và tất cả người đi cùng phải đáp ứng điều kiện nêu trên).
Để trở lại TP HCM, Sở GTVT hướng dẫn người dân gửi đơn đề nghị gửi qua hộp thư điện tử của Sở (sgtvt@TP HCM.gov.vn) trình bày lý do, kế hoạch di chuyển (hoàn cảnh, thời gian, phương tiện, số lượng người theo danh sách chi tiết...; kèm bản chụp giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan và giấy tờ chứng minh.