An toàn bệnh viện để chống Covid-19
Chùm ca bệnh mắc Covid-19 ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp tục ghi nhận thêm những ca mới trong ngày 3/10. Tính tới nay, đã ghi nhận 25 ca dương tính có liên quan.
Khẩn trương kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch
Cũng trong ngày 3/10, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Bệnh viện (BV) Việt Đức tổ chức lấy hơn 5.400 mẫu xét nghiệm lần 2 của hơn 4.400 nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và hơn 1.000 người dân xung quanh BV Việt Đức để tiếp tục bóc tách F0, truy vết F1 và các trường hợp liên quan
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Ngay từ đêm qua, các ca F0 đều đã được di chuyển đi điều trị, còn các F1 thì được đưa đi cách ly tập trung. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung xét nghiệm lần 2 đối với tất cả người trong BV Việt Đức và người dân tại khu dân cư xung quanh cơ sở y tế này, tổng số hơn 5.000 mẫu. Trên cơ sở của kết quả xét nghiệm này, quận sẽ quyết định hướng xử lý kế tiếp. Ở thời điểm hiện tại, ca bệnh chủ yếu tại tầng 7 - khoa Tiêu hóa của BV”.
Được biết, các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực xung quanh BV Việt Đức đều đã được kích hoạt.
Ông Hoàn chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã thực hiện phong tỏa tạm thời phố Phủ Doãn để triển khai phòng, chống dịch. Ngoài lực lượng y tế, công an thì các tổ Covid-19 cộng đồng cũng đã được kích hoạt tại các chốt kiểm soát. Công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong khu phong tỏa cũng đã được đảm bảo bởi các tổ cung ứng của phường Hàng Trống và phường Hàng Bông. Bên cạnh đó, UBND quận đang tích cực phối hợp cùng BV Việt Đức để rà soát, lập danh sách các trường hợp khó khăn trên địa bàn để có sự hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, công tác tuyên truyền tới người dân, cả trong khu vực phong tỏa và trên địa bàn nói chung đều đã được triển khai”.
Trong những nỗ lực ngăn chặn Covid-19, thông tin từ BV Việt Đức cho hay, hiện cơ sở y tế này không tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chỉ nhận cấp cứu. Đối với một số bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã đề nghị một số bệnh viện lân cận tiếp nhận, điều trị. Được biết, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, những bệnh nhân ghép thận, chạy thận của bệnh viện và người chăm sóc được phép trở về nhà.
Ở một diễn biến khác, sau khi phát hiện ca bệnh F0 có yếu tố liên quan tới BV Việt Đức, ngày 3/10, đại diện Viện Huyết học - Truyền máu trung ương thông báo: Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ những người có liên quan tại Viện (gồm cả nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh, bảo vệ, bệnh nhân và người nhà) đều đã được xét nghiệm PCR, kết quả đến thời điểm hiện tại là âm tính. Hiện các hoạt động của Viện như khám bệnh, điều trị, xét nghiệm, hiến máu vẫn diễn ra bình thường. Viện là tuyến cuối về chẩn đoán và điều trị bệnh máu, đồng thời phải đảm bảo cung cấp máu và chế phẩm máu cho gần 180 bệnh viện tại 30 tỉnh, thành phố - cả các địa phương phía Nam trong 2 tháng nay.
Không quá lo lắng nhưng cũng không thể chủ quan
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, người dân không nên quá lo lắng khi Hà Nội phát hiện ca bệnh mới, bởi chúng ta đã xác định chung sống an toàn với dịch bệnh. Tức là đâu đó sẽ phát sinh những ca bệnh mới. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng tại Hà Nội đã ở mức rất cao nên sẽ không có khả năng dịch bùng mạnh như tại các tỉnh phía Nam ở thời điểm trước.
Cũng theo ông Nga, điều này không đồng nghĩa với việc người dân được phép chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Việc tiêm chủng không giảm triệt để sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Người đã được tiêm vaccine Covid-19 vẫn phải cẩn trọng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh lây nhiễm khi giao tiếp. Ông Nga cũng cho rằng, cần bảo vệ các BV khỏi Covid-19, bởi đây là nơi vô cùng quan trọng cho công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.
“Với đặc thù là nơi tiếp nhận, điều trị người bệnh, các BV có số lượng người ra, vào từ các nơi khác nhau rất lớn, bởi thế nên xác suất phát hiện ca dương tính tại BV sẽ cao hơn ở những nơi khác. Đơn cử, có thể người nhà bệnh nhân đi từ tỉnh khác lên nhưng không may lại lây nhiễm trên quãng đường di chuyển. Theo tôi, trong tình hình hiện nay không nên để người nhà vào chăm sóc người bệnh. BV có thể tổ chức dịch vụ chăm sóc người bệnh với các y tá, hộ lý hay người chăm sóc chuyên nghiệp đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19”, ông Nga nói.