Bảo vệ da trong tiết trời hanh khô
Vào thời điểm giao mùa, lúc nóng ẩm, lúc hanh khô, các bệnh về da dễ dàng bùng phát.
Viêm da cơ địa tấn công mọi lứa tuổi
Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, thời gian gần đây, trẻ đến khám và điều trị viêm da cơ địa tại bệnh viện có xu hướng gia tăng.
Trường hợp bé trai T.P. (14 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bị nổi mảng rát đỏ, da khô sần, ngứa toàn thân. Trẻ được chẩn đoán viêm da cơ địa, khai thác tiền sử bệnh, người nhà cho biết, trẻ đã có tình trạng nổi mảng ngứa từ 3 tuần nay, Tuy nhiên, gia đình e ngại dịch Covid-19 nên không cho con đi khám mà tự mua thuốc về nhà điều trị.
TS BS Phạm Thị Mai Hương, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng (eczema), là một bệnh viêm da tái phát, mãn tính, chủ yếu gặp ở trẻ em và có liên quan đến cơ địa dị ứng. Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện khá sớm, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh sau 5 tuổi. Thông thường, 95% bệnh ổn định sau 2 tuổi, 5% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần cho tới khi trưởng thành gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
BS Hương cho hay, nếu không được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc da kịp thời, bệnh viêm da cơ địa có thể gây ra một số tình trạng phiền toái cho trẻ như: Ngứa - có thể khiến trẻ quấy khóc, khó ngủ, ngủ không ngon giấc; kém ăn, chậm lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ; hơn nữa thương tổn da có thể bị bội nhiễm vi khuẩn (tụ cầu), nấm… làm bệnh viêm da cơ địa trầm trọng hơn, khó điều trị cũng như tiên lượng. Đối với một số trẻ lớn, viêm da cơ địa có thể có những ảnh hưởng tâm lý làm trẻ thiếu tự tin do ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Không chỉ xuất hiện ở trẻ em, theo chuyên gia y tế, viêm da cơ địa là bệnh ngoài da khá phổ biến trong cộng đồng, mọi lứa tuổi có thể mắc, và bệnh xuất hiện nhiều hơn trong thời tiết hanh khô…
Kiến ba khoang vào mùa
BSCKII Quách Thị Hà Giang, Bệnh viện Da liễu trung ương chia sẻ: Hiện nay, thông tin trên các phương tiện truyền thông cũng như mối quan tâm lớn nhất của xã hội là Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên dành thời gian tìm hiểu về viêm da tiếp xúc do kiến khoang - một tình trạng viêm da đang gia tăng đáng kể tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận trong các ngày gần đây. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng, viêm da do kiến khoang có thể gây nên các biến chứng đáng tiếc.
Viện Da liễu trung ương đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang lan rộng có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn, khuôn mặt bệnh nhân sưng to, mắt gần như không nhìn thấy gì.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, viêm da tiếp xúc liên quan đến côn trùng, nhất là do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở các vùng da hở, người bệnh thường có biểu hiện bỏng rát da, phồng rộp nên đã nhầm tưởng là bệnh zona và tự đi mua thuốc điều trị. Đã có những người bôi thuốc acyclovir vào các vết dị ứng dẫn đến loét da, tổn thương da nặng, phải nhập viện điều trị. Nguy hiểm nhất là các đối tượng trẻ nhỏ bởi làn da của trẻ mỏng nên rất dễ bị tổn thương.
Trong trường hợp bị kiến ba khoang cắn, bò vào người mà lỡ tay đập chết, chà xát trên da thì cần nhanh chóng rửa ngay bằng nước sạch với xà phòng tại phần da nghi ngờ bị độc chất pederin xâm nhập; có thể rửa bằng thuốc tím sát trùng. Nếu vùng da đó bị phồng rộp, có biểu hiện viêm loét,… sau đó phải đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc thích hợp. Nếu điều trị đúng chỉ trong khoảng 1 tuần là khỏi bệnh. Nếu điều trị muộn hoặc sai, tổn thương sẽ lan rộng, gây loét da, việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn.
Theo ThS Nguyễn Lan Anh, Khoa Da liễu Dị ứng, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, để tránh bệnh nặng hơn và không gặp phải biến chứng trong mùa lạnh, khô, mọi người cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, hạn chế tiếp xúc với môi trường lạnh, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
Không nên mặc quần áo quá chật, bằng vải len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da. Đeo khẩu trang, găng tay và mặc quần áo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất độc hại. Hạn chế gãi, cắt ngắn móng tay, tránh gãi khi ngứa làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Không tắm nước lá, nước quá nóng, xà phòng. Không tự ý điều trị tránh làm nặng bệnh. Bôi dưỡng ẩm thường xuyên và đúng cách để bảo vệ làn da.
Khi đã tuân thủ hướng dẫn mà bệnh vẫn diễn biến nặng hơn, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị phù hợp.