Giữ gìn đa dạng sinh học vì ‘Bạc Liêu xanh’
Bạc Liêu được đánh giá là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát triển hơn nữa sự đa dạng sinh học được thiên nhiên ban tặng.
Tăng cường quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học
Xác định tầm quan trọng về bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý phát triển rừng, nhất là bảo tồn đa dạng sinh học. Tỉnh cũng phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của Quy hoạch này nhằm tập trung nâng cao năng lực cán bộ quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời điều tra, đánh giá về đề xuất mô hình bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, góp phần phát triển theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Bình Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu cho biết: Những năm qua, đơn vị đã thực hiện có hiệu quả chương trình nhân giống các loại cây bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và thực hiện tốt công tác giám hộ đa dạng sinh học lồng ghép với thực hiện kế hoạch hành động về bảo tồn các loài chim quý hiếm. Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trồng rừng tập trung khu vực rừng phòng hộ ven biển 10ha, với các loài cây rừng ngập mặn bản địa như: Cóc trắng, giá, mắm; chăm sóc, bảo tồn 3.000ha hệ sinh thái rừng tự nhiên; bảo tồn các loài động vật quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, đơn vị đã tổ chức các chiến dịch ngăn chặn và ký cam kết không kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn tỉnh...
Sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Bạc Liêu đã góp phần phục hồi hệ sinh thái rừng, phục hồi các quần xã sinh vật tại nơi cư trú bị suy thoái, tăng độ che phủ rừng, bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn đa dạng sinh thái trong tỉnh nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Nhiều giải pháp vì “Bạc Liêu xanh”
Là tỉnh duyên hải ven biển hình thành nên các hệ sinh thái tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, trong đó, rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, được xem là “lá phổi xanh” của TP Bạc Liêu. Chỉ tính riêng tại Vườn chim Bạc Liêu hiện có hơn 180 loài thực vật, là rừng hỗn giao nhiều loài cây rừng ngập mặn đặc trưng của hệ rừng ngập mặn khu vực Nam Bộ như: Chà là, cóc, tra, giá và các loài cây bụi, dây leo chằng chịt. Riêng hệ chim có 110 loài, trong đó có 10 loài quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam…
Ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, để công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học. Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường nguồn nhân lực cho công tác quản lý đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ rừng nói riêng.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực thi pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng, động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Trong đó tập trung đẩy mạnh kiểm tra, tuần tra rừng để ngăn chặn, xử lý tình trạng chặt phá cây rừng, đặc biệt là các loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, môi trường; tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý nghiêm người buôn bán, nuôi nhốt, sử dụng động vật rừng và các sản phẩm động vật rừng trái quy định của pháp luật...
Đặc biệt, Bạc Liêu sẽ chú trọng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch nhằm khai thác nguồn lực thiên nhiên góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn; đề cao giá trị và củng cố hiệu quả quản lý của hệ thống khu bảo tồn hiện có nhằm khai thác có hiệu quả và bền vững hệ thống này.