Thận trọng mở cửa chợ truyền thống
Sau một thời gian dài “đông cứng”, các chợ truyền thống tại nhiều địa phương bắt đầu rục rịch mở cửa. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, các tỉnh, thành phố đang khá thận trọng khi cho mở lại hoạt động tại các chợ truyền thống.
Tại thành phố Đà Nẵng, mặc dù địa phương này đã cho phép mở lại chợ truyền thống từ ngày 30/9, nhưng lượng người dân đi chợ còn chưa nhiều, một số nơi vẫn thực hiện đi chợ 3 ngày/lần. Nhiều chợ truyền thống ở đây vẫn chưa bố trí đủ 50% số lượng gian hàng/quầy hàng do chưa bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch. Tại chợ đầu mối Hòa Cường, khảo sát của PV cho thấy, mặc dù chợ đã mở cửa trở lại, nhưng chỉ được phép hoạt động khu vực bán buôn từ 2h-9h sáng và chỉ được tập kết hàng hóa trong sân. Trong ngày 1/10, chợ đầu mối Hòa Cường mới chỉ có duy nhất 1 hộ kinh doanh.
Ngoài ra, còn có tình trạng một số hộ kinh doanh, người dân tự phát tập trung giao nhận hàng hóa, buôn bán bên ngoài khuôn viên chợ đầu mối Hòa Cường, không bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã đề nghị quận Hải Châu kiểm tra, kiểm soát tình trạng trên. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP Đà Nẵng cũng cho biết, sẽ thực hiện đánh giá sau 7 ngày thực hiện để có chỉ đạo phương án tiếp theo.
Tình hình mở lại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh cũng diễn ra khá dè dặt. Mặc dù TP HCM đã cho phép mở lại chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm các tiêu chí về phòng dịch, tuy nhiên, đến ngày 1/10/2021, trên địa bàn Thành phố vẫn còn 219/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do hiện nay, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện đang yêu cầu các chợ xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động an toàn, đáp ứng yêu cầu tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP HCM (Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ ngày 15/9/2021).
Theo Ban quản lý chợ Bình Thới, chợ đã mở lại từ ngày 1/10 vừa qua, và các tiểu thương đến hoạt động tại chợ đều đảm bảo đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19. “Tiểu thương và người dân khi tới chợ sẽ được ban quản lý chợ giám sát kỹ việc tuân thủ nguyên tắc 5K, đóng bớt lối đi, phân luồng một chiều để hạn chế lượng khách ra vào, giảm nguy cơ lây nhiễm” – đại diện Ban quản lý chợ Bình Thới cho hay.
Tại chợ truyền thống An Đông (Quận 5, TP HCM), Ban quản lý Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông cũng cho biết, đơn vị này đã khảo sát, lấy ý kiến tiểu thương để chuẩn bị mở lại các hoạt động của chợ. Theo đó, việc mở lại hoạt động vẫn dựa trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ 5K.
Theo Sở Công Thương TP HCM, dự kiến trong vài ngày tới các quận, huyện sẽ có thêm phương án mở nhiều chợ hoạt động trên địa bàn. Sở sẽ tiếp tục làm việc để nắm điều kiện phương án triển khai mở lại các chợ truyền thống, chợ đầu mối trong điều kiện an toàn.
Theo chỉ thị mới của TP HCM, sau ngày 30/9, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống được hoạt động trở lại. Trước đó, TP HCM đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho các loại hình trên.
Tại tỉnh Bình Dương, theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có 30/97 chợ truyền thống, 11/11 siêu thị và 220/221 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, trong đó các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn các phường “khoá chặt” tại thành phố Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên vẫn đang hoạt động theo hình thức bán hàng trực tuyến.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, thực hiện theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 2066/KH-SCT ngày 14/9/2021 của Sở Công Thương Bình Dương về việc rà soát, đánh giá chấm điểm theo Bảng tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho các chợ truyền thống đáp ứng đủ điều kiện an toàn được phép hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách, đến nay có 11 chợ đã xây dựng phương án và đăng ký hoạt động trở lại. UBND thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên đã thực hiện cấp phát toàn bộ gói lương thực, thực phẩm cho người dân (100% kế hoạch) tại 15 phường thực hiện “đông cứng, khoá chặt”.