Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,5-7%/năm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương để nghiên cứu xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế đến năm 2023.
Theo định hướng của Đảng, Quốc hội đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình cần đưa ra được các giải pháp cụ thể gắn với nguồn lực đi kèm, phù hợp với năng lực của nền kinh tế, khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Cùng với đó, để phục hồi và phát triển kinh tế cũng cần xác định đối tượng ưu tiên hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh, các hoạt động kinh tế tạo động lực phục hồi và phát triển bền vững cho nền kinh tế…
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thời gian thực hiện Chương trình cần đủ dài để có thể xây dựng và triển khai các giải pháp tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho DN, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, Chính phủ cần từng bước thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, bền vững trên cơ sở khống chế vượt qua đại dịch. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất, cần kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế và xác định đó là giải pháp cấp bách ngay từ đầu năm 2022 để tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiếm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Đặc biệt, Chính phủ cần hỗ trợ phục hồi DN trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính thông qua lãi suất, miễn giảm thuế, phí; phát triển chuỗi cung ứng bền vững...