Khơi thông chính sách để doanh nghiệp bứt phá

Lê Bảo 05/10/2021 02:19

Bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm có nhiều gam màu trầm, nhiều chỉ số vĩ mô đạt thấp bởi dịch Covid-19. Trong đó, lần đầu tiên GDP quý III ghi nhận mức tăng trưởng âm… Để có thể lấy lại nhịp độ và tìm cách bứt tốc trong những tháng cuối năm 2021 cũng như năm 2022, theo các chuyên gia cần phải khơi thông chính sách để doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Nguồn lực của doanh nghiệp bị bào mòn

Dịch bệnh đã tác động mạnh lên nền kinh tế. Con số thống kê gần đây cho thấy, kinh tế tăng trưởng chậm lại, trong đó GDP quý III âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%. Đáng lo ngại, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng đều bị gián đoạn, đứt gãy; sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng DN ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra thách thức rất lớn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như lưới an sinh xã hội.

Trong thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, trong đó bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Như các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, khoanh nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước… với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD. Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như: Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, tiền điện, nước, học phí, thì quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Nhận định về những chính sách mà nhà quản lý đã đưa ra thời gian qua, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho nêu quan điểm, Samsung hoàn toàn ủng hộ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, nếu các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc “khóa chặt” tiếp tục diễn ra trong thời gian dài thì có thể gây ra các tổn thất cho nền kinh tế. Do đó, cần tính đến sự hài hòa giữa 2 mục tiêu này.

Theo ông Choi Joo Ho, việc duy trì mạng cung ứng toàn cầu của các khu công nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng đối với các DN đang vận hành các nhà máy sản xuất. Do đó, các DN cần phải xây dựng chế độ “sản xuất không gián đoạn” trong mọi hoàn cảnh. “ Dù trong bất cứ hoàn cảnh bất thường nào, dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng không thể dừng hoạt động. DN chỉ có thể tồn tại khi các hoạt động sản xuất được vận hành” – ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cũng là nhân tố được cộng đồng DN đề xuất Chính phủ sớm tháo gỡ.

Để hỗ trợ các DN ổn định sản xuất kinh doanh, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, bên cạnh việc tự nỗ lực cứu mình, các DN cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để vượt qua đại dịch. “Theo ước tính, sẽ có khoảng gần 1 triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập.Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021 của dệt may sẽ rất khó khăn” – ông Giang cho biết.

Theo Chủ tịch Vitas, nếu không có các chính sách tháo gỡ kịp thời, ngành dệt may sẽ gặp rất nhiều nan giải dù kết quả 9 tháng năm 2021 của ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020. “ Nhà nước tập trung hỗ trợ DN cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh cho DN rơi vào tình trạng đứt thanh khoản như: dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư; tạm dừng thu phí công đoàn và đoàn phí công đoàn, hạ hạn mức tín dụng, giảm lãi suất vay…” – ông Giang đề xuất.

Từng bước mở cửa lại nền kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.

Chính sách hỗ trợ cần gắn với an sinh

Ngay ngày đầu tiên khi Nghị quyết 116 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, chị Đỗ Thị Hồng Nhung, Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải Việt Nam khu vực II đã nhận được số tiền hỗ trợ 1,8 triệu đồng. Theo chị Nhung, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, mất việc làm, được nhận sự hỗ trợ này là vô cùng ý nghĩa, giúp chị trang trải cuộc sống. Song, điều chị Nhung cũng như nhiều lao động mong mỏi hiện nay đó là, có việc làm ổn định, có đồng lương trang trải cuộc sống.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, dù Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ, song đó chỉ là sự hỗ trợ trước mắt. Về lâu dài người lao động cần có lưới an sinh đủ rộng trong đó bao gồm sự tiếp cận về giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe.

Đã mấy tháng nay phải nghỉ việc không lương đồng nghĩa với việc cả gia đình 4 người của chị Nguyễn Thị Ánh, công nhân Khu Công nghiệp Hoàng Mai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội sống dựa vào khoản hỗ trợ từ tiền thất nghiệp. Cả hai vợ chồng đều đã được thông báo sẽ được nhận hỗ trợ tại gói 38 nghìn tỷ đồng nhưng cũng chưa vơi nỗi lo. Mất việc làm, không có thu nhập nhưng hàng tháng chị Ánh vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, rồi tiền 2 đứa con ăn học.

“Giờ còn có khoản hỗ trợ thất nghiệp cứu đói, ít nữa vẫn không xin được việc không biết lấy gì kiếm sống. Mấy hôm nay chồng tôi đi chạy grab nhưng thời buổi khó khăn, dịch bệnh phức tạp, nên vẫn rất “ế ẩm”. Tôi mong thành phố có chính sách hỗ trợ để con của những lao động di cư được học vào trường công, chúng tôi giảm bớt gánh nặng học phí” – chị Ánh chia sẻ.

Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9/2021 cho thấy, 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh. Trong đó, khoảng 92% DN quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động, tỷ lệ này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%. Chính vì vậy, việc triển khai chính sách gắn với hỗ trợ an sinh cho người lao động, lao động yếu thế cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Bên cạnh chính sách tài khóa, cần có giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. Chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân người lao động” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, còn rất nhiều thách thức phía trước. Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm, còn 2 yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP tích cực. Đó là nguồn vốn từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và thúc đẩy đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ là động lực tác động tích cực đến tiêu dùng và đầu tư. Đặc biệt, bà Hương đánh giá, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực tới việc gia tăng tiêu dùng của dân cư, kích thích vào tổng cầu đang yếu, khi đó phía cung sẽ được thúc đẩy, tăng sản lượng sản xuất.

Đặc biệt, kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch, các nước dần trở lại cuộc sống bình thường, nhu cầu của người dân sẽ tăng cao sau thời gian dài thực hiện phong tỏa xã hội. Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên đây là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong công nghiệp chế biến chế tạo để góp phần phục hồi nền kinh tế.

TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn sau giãn cách xã hội, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: mở cửa thị trường - coi đây là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất trong lúc này cho DN; tăng cường cải cách thể chế, cải cách hành chính; thực hiện hiệu quả và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ DN liên quan đến tài khóa, tiền tệ và an sinh; triển khai các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cho cộng đồng DN, đặc biệt là nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số và tăng khả năng thích ứng, khả năng chống chịu cho DN; tiếp tục đẩy mạnh cac hoạt động xúc tiến, thúc đẩy thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, kết nối các chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất

Chúng ta vẫn có khoảng trống để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Đó là nới lỏng tiền tệ, dùng các gói tài khoá hỗ trợ DN phát triển. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đặc biệt hiện nay thông điệp từ Chính phủ là không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” tồn tại, đẩy mạnh số hoá, quản lý đi lại hay kinh doanh bằng QR code để góp phần tăng thúc đẩy hoạt động giao thương. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng bàn đến gói kích cầu kinh tế 3.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất vay. Rồi nhóm giải pháp giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất cho các DN. Tất cả các giải pháp này sẽ phát huy tác dụng. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất bây giờ là thúc đẩy DN phục hồi, để làm được điều này cần phải linh động, tạo điều kiện cho DN sản xuất.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Cần chính sách đột phá trong chuyển đổi số

Để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, cần một sự thay đổi đột phá bằng chương trình phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế. Và trên hết, các giải pháp đưa ra đều phải trông vào dư địa chính sách. Hiện nay hệ thống tài chính tuy còn rủi ro nhưng nhìn chung đã vững vàng hơn nhờ sự trợ lực của Nhà nước. Bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, nên tận dụng cơ hội này để nhìn lại cách tư duy và phương thức chuyển đổi số cả ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô. Hệ điều hành số không chỉ là số hoá, đầu tư hạ tầng số mà còn cần nguồn nhân lực phù hợp, cách làm triệt để và liên thông, đồng bộ.

H.Hương (ghi)

Lê Bảo