Châu Á trong ‘chuyến bay ngược bão’

Thanh Đức 05/10/2021 02:20

“Châu Á đã quyết định “bay ngược bão” cho dù ở nhiều quốc gia trong châu lục, Covid-19 vẫn hoành hành. Mở cửa - đó là từ xuất hiện ngày một nhiều trên truyền thông. Không chỉ ở những quốc gia đã tiêm vaccine nhiều, mà ngay cả các quốc gia số người nhận được 2 mũi vaccine ít thì cũng đều rục rịch mở cửa” - Philippe Marfadi, chuyên gia dịch tễ học đến từ California (Mỹ) nói với Reuters.

Cho tới thời điểm này, hai quốc gia dân số đông nhất thế giới là Trung Quốc (hơn 1,4 tỷ dân) và Ấn Độ (gần 1,4 tỷ dân) đều có những kết quả tốt trong kiềm chế dịch Covid-19. Với Trung Quốc, chủ trương phong tỏa nhanh, xét nghiệm rộng, truy vết ngay lập tức cũng như việc chủ động nguồn vaccine đã đem đến kết quả. Còn tại Ấn Độ, nếu so với nửa năm về trước thì nay đất nước đã có “gương mặt” khác hẳn.

Không chỉ là Trung Quốc hay Ấn Độ, nhiều quốc gia châu Á khác cũng dần kiềm chế Covid-19, và quan trọng hơn là chính phủ đã chủ trương “sống chung” với Covid-19 để mở cửa nền kinh tế, vốn đã “đóng băng” quá lâu.

Singapore và Indonesia: Những minh họa sống động

Mới đây, giới chức Singapore đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly với người đến từ một số quốc gia trong nỗ lực mới nhất nhằm mở lại biên giới. Người đến từ các quốc gia thuộc nhóm 3 theo phân loại của chính phủ Singapore từ ngày 7/10 sẽ chỉ cần cách ly 10 ngày, thay vì 14 ngày như quy định hiện tại. Các quốc gia thuộc nhóm này bao gồm Áo, Bahrain, Bỉ, Bhutan, Bulgaria, Croatia, Cyprus, Ai Cập, Fiji, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Latvia, Liechtenstein, Maldives, Na Uy, Slovakia, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

Còn người đến từ Trung Quốc (bao gồm đại lục, đặc khu hành chính Hong Kong và Macao cùng đảo Đài Loan), thuộc nhóm một, chỉ cần tự cách ly cho tới khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.

Singapore quy định cách ly 7 ngày với người đến từ các quốc gia thuộc nhóm hai, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Luxembourg, Malta, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Arab Saudi, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore, Lawrence Wong, với việc tiêm chủng nhiều và độ miễn dịch tự nhiên cao hơn, Singapore có thể đạt tới mốc để tự tin mở cửa trở lại và không lo đối phó với đợt bùng phát mới.

Trong khi đó, tờ Straits Times đưa tin số người Singapore nhiễm Covid-19 vẫn tăng cao, cho dù tình hình không quá căng thẳng vì đa số người nhiễm chỉ bệnh nhẹ.

"Như chúng tôi đã nói, do tỷ lệ tiêm ngừa của chúng ta cao nên không cần để tâm nhiều số ca nhiễm. Chúng tôi đang dồn lực cho những người bệnh nặng và đảm bảo hệ thống y tế đủ khả năng chăm sóc họ. Chúng ta cần mở cửa” - Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói.

Tại Indonesia, mới đây sự kiện khai mạc tuần lễ thể thao toàn quốc lần thứ 20 (PON) tại sân vận động Lukas Ênmbe (thành phố Jayapura, tỉnh Papua) với 10.000 người tham dự được cho là phép thử quan trọng cho chiến lược “sống chung” với Covid-19.

Điều này phù hợp với quyết định của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo là chuyển sang chiến lược “sống chung” với đại dịch dựa vào xét nghiệm, vaccine và hành lang quy định y tế công cộng. Tuy rằng độ phủ vaccine tại Indonesia còn thấp với tỷ lệ hoàn tất tiêm chủng trên toàn quốc chưa đạt 20% dân số. Tại Papua, khoảng 11% dân số toàn tỉnh được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Như vậy là Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới cũng đã dũng cảm tiến về phía trước bất chấp Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Mới đây, chính quyền nước này đã cho phép du khách được đến nhiều điểm du lịch khi có chứng nhận đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã điều trị khỏi Covid-19.

Để vực dậy ngành du lịch lao đao vì dịch bệnh, ngoài việc mở cửa thí điểm các điểm tham quan, Chính phủ Indonesia có kế hoạch phát triển du lịch y tế, thảo dược, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, trước hết tại các thị trường du lịch tiềm năng như Jakarta, Medan, Bali…

Nhiều nơi tại Indonesia, học sinh đã đến trường trở lại. Nguồn: Antara News.

Hàn Quốc tự tin mở cửa

Với Hàn Quốc, cho dù hệ thống y tế được đánh giá là ở mức hàng đầu, tuy nhiên trong gần 2 năm qua Covid-19 vẫn tung hoành, gây ra nhiều đợt bùng phát mạnh. Dẫu vậy, Chính phủ nước này vẫn đề ra nhiều chủ trương để nền kinh tế có thể duy trì hoạt động. Ngay từ đầu tháng 7, Hàn Quốc đã quyết định những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ từ nước ngoài được phép nhập cảnh mà không cần cách ly 2 tuần. Người nhập cảnh là những người thăm gia đình, làm ăn kinh doanh, học tập hay các lý do vì lợi ích cộng đồng.

“Cách tốt nhất là thích nghi và học cách “sống chung” với dịch bệnh - bà Alice Hyun-Kyung Tan, bác sĩ nội khoa kiêm chuyên gia tư vấn tại Bệnh viện Phụ nữ MizMedi ở Seoul nói song bà cũng lưu ý, điều đó còn phụ thuộc vào việc tiêm chủng, xét nghiệm một cách có chiến lược cùng các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng bền vững.

Vì sao Hàn Quốc tự tin mở cửa? Với câu hỏi này, ông Jung Ki-Suck-cựu giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc cho biết, đó là do khả năng hỗ trợ y tế tốt, người dân hợp tác và khả năng tuyên truyền thông tin rộng rãi tới người dân nhờ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vượt trội.

Ông Jung hiện là giáo sư Đại học Hallym, cho rằng kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc vào quan hệ với thế giới bên ngoài, trong khi người trẻ nước này cũng đang háo hức được du lịch trở lại, vì thế mở cửa là rất cần thiết.

Hiện tại, thay vì phong tỏa trên diện rộng, chính phủ Hàn Quốc áp dụng cách ly bắt buộc tại nhà, truy vết tiếp xúc nhờ công nghệ cao và tiến hành xét nghiệm hàng loạt để kiểm soát các đợt bùng phát dịch. Tuy vậy, nước này tránh áp dụng lệnh bắt buộc ở nhà hoặc giới nghiêm để hầu hết doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động.

Theo Giáo sư về dịch bệnh học Cho Sung-il (Đại học Quốc gia Seoul), chiến lược mở cửa của Hàn Quốc không phải không có rủi ro, đặc biệt đối với biến thể Delta lây lan nhanh. Tuy vậy ông Cho cũng đồng tình khi cho rằng việc nới lỏng quy định nhập cảnh là “ý tưởng chấp nhận được”.

Thanh Đức