Sân khấu Việt ‘rộn ràng’ ngày trở lại

Cao Ngọc 05/10/2021 02:19

Sau thời gian dài phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, thông tin về loạt chương trình do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức hướng tới “Kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của kịch nói Việt Nam” đã trở thành “liều thuốc” tinh thần cho nhiều nghệ sĩ và công chúng ngóng đợi. 

Viết tiếp lịch sử kịch nói

Kịch nói là loại hình nghệ thuật ra đời muộn, ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây. Những thanh niên “Tây học” thời kì đầu thế kỷ XX đã tiếp nhận văn học Pháp, kịch bản Pháp bằng tiếng Pháp, có được những hiểu biết nhất định về mặt thể loại, cấu trúc kịch bản, xây dựng nhân vật. Rồi những đêm diễn của các đoàn nghệ thuật từ Pháp sang như sự gợi mở đối với họ về một thể loại sân khấu chúng ta chưa có.

Thêm vào đó, bối cảnh xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX có xu hướng Âu hoá mạnh mẽ. Xu hướng này cùng đà phát triển của đô thị dẫn đến sự ra đời những loại hình văn học, nghệ thuật theo mô hình văn hoá phương Tây như thơ mới, tiểu thuyết... Một bộ phận công chúng mới, tầng lớp thị dân và viên chức Tây học đã cảm thấy nhu cầu cần thiết phải có sự đổi thay trong sân khấu dân tộc. Vào năm 1920, một nhóm trí thức hâm mộ nền văn học Pháp đã dịch và đưa lên sàn diễn Nhà hát lớn một số kịch bản của Môlie. Nhóm kịch này đã nhận được sự giúp đỡ về kiểu cách diễn và phục trang của một số người Pháp, trong đó có Rêmy, nhạc trưởng một đoàn nhạc kịch Pháp ở Hà Nội lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, lòng tự tôn dân tộc khiến họ luôn tự hỏi, tại sao lại dùng câu chuyện ở thế kỷ XVII của nước Pháp diễn cho người Việt xem? Động lực đó khiến cho chỉ một năm sau đó, ngày 22/10/1921, đã ra mắt công chúng “Chén thuốc độc” - vở diễn đầu tiên của người Việt Nam viết về xã hội, con người Việt Nam do người Việt Nam diễn cho người Việt Nam xem.

Lược sơ qua về quá trình để thấy vai trò của kịch bản “Chén thuốc độc” (tác giả Vũ Đình Long) đối với lịch sử hình thành nền kịch nói Việt Nam. Ở thời kỳ đầu, với những tìm tòi “sơ khai” nên kịch bản đơn giản với câu chuyện về gia đình ông Thông Thu, một gia đình công chức khá giả bị tác động xấu của xã hội đương thời đã ảnh hưởng lớn tới mọi thành viên trong gia đình. Cốt truyện “Chén thuốc độc” lúc đó đơn giản, có sự can thiệp ngoài kịch mang tính ngẫu nhiên vốn là điều cần tránh trong biên kịch… Tuy nhiên, sự ra đời của vở diễn đã có ý nghĩa lớn khi cảnh tỉnh lại một bộ phận người dân trong thời điểm đó nên được người xem yêu thích, đánh giá cao.

“Chén thuốc độc” là vở thoại kịch đầu tiên của Việt Nam.

Dấu ấn cho ngày trở lại

Dựng lại kịch bản đầy ý nghĩa này trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của kịch nói Việt Nam đã thật sự tạo nên một “cú hích” rất lớn cho những người làm sân khấu. Thậm chí, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam còn tha thiết “xin” được nhận một vai trong vở diễn. Anh chia sẻ, cho tôi vào vai gì cũng được, chỉ cần được một giây xuất hiện trên sân khấu của vở kịch này tôi cũng cảm thấy mãn nguyện vì đây là dịp kỷ niệm vô cùng đặc biệt.

Với tinh thần đó, rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu kịch như NSND Lê Khanh, NSND Việt Thắng, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoài Thu cùng đội ngũ diễn viên Khuất Quỳnh Hoa, Việt Hoa, Thanh Bình, Thu Hà, Hồng Phúc, Tùng Linh... cũng mong muốn được góp mặt trong vở diễn này. Vở diễn có sự tham gia của các diễn viên đến từ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội và sinh viên lớp Diễn viên tài năng K39, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Theo kế hoạch, kịch bản “Chén thuốc độc” sẽ được biên tập lại bởi biên kịch Đỗ Trí Hùng. Cùng với đó, vở diễn còn có sự đồng hành của họa sĩ Hoàng Phong thiết kế mỹ thuật, nhạc sĩ Giáng Son sáng tác ca khúc, nghệ sĩ Lê Phương biên đạo múa… dưới sự tổng chỉ huy của đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai.

Đạo diễn Bùi Như Lai tâm sự, kịch nói Việt Nam đã có 100 năm hình thành và phát triển với sự đóng góp của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ. Nhận kịch bản này, tôi cũng có những áp lực từ việc dàn dựng sao cho hợp lý nhất, tương thích với khán giả hiện nay vì những giá trị thẩm mỹ của thời đại. Không thể giữ nguyên kịch bản quá dài, nên phải có sự biên tập trên nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm giữ được tinh thần, cấu trúc vở kịch.

Một số chi tiết như sự phê phán đối với việc hầu đồng, hát văn, hát ả đào thì tôi chủ trương không phủ nhận, bài trừ mà tôn vinh tinh hoa của nó và nhấn vào sự u tối, mê tín tới mông muội đối với việc buôn thần bán thánh vì nay những hình thức này đều là những nét đẹp, là di sản phi vật thể của dân tộc, có cái đã được thế giới công nhận. “Tôn vinh tư tưởng của kịch bản khi ngay từ thời đó, tác giả đã nhận ra và báo động về sự lệ thuộc quá nhiều vào tâm linh mà quên đi hiện thực thì sẽ dẫn tới sự sụp đổ cho một gia đình” - đạo diễn nói.

Vở diễn dự kiến sẽ ra mắt cuối tháng 10/2021 nếu tình hình dịch bệnh đã khả quan. Cũng nằm trong chuỗi kỷ niệm, sẽ còn có thêm 6 vở diễn nữa sẽ được dàn dựng. Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng tổ chức hội thảo khoa học “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”.

Theo NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của kịch nói Việt Nam là dịp để giới nghệ sĩ sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói nói riêng cùng ôn lại chặng đường phát triển đáng tự hào của kịch nói nước nhà, đồng thời khẳng định với thế hệ đi trước rằng, thế hệ hôm nay đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để chăm lo, thúc đẩy nền kịch nói Việt Nam phát triển hơn nữa.

Cao Ngọc