Di chuyển khi được tiêm 2 mũi vaccine: Người dân và chuyên gia nói gì?
Bộ Y tế cho phép người dân di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao sang vùng có nguy cơ nhưng vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày khiến không ít doanh nghiệp, người dân kêu khó.
Bộ hướng dẫn di chuyển....
Ngày 3/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 8318/BYT-DP hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch Covid-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ.
Theo đó, với trường hợp đi từ khu vực nguy cơ rất cao, khu vực nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp yêu cầu trước khi di chuyển phải thực hiện xét nghiệm trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì khi đến nơi thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày, thực hiện Thông điệp 5K và xét nghiệm 02 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.
Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 thì Sở Y tế nơi tiếp nhận dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn xem xét việc cho người dân từ nơi khác về tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú; hướng dẫn người dân thực hiện Thông điệp 5K và làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn định kỳ 2-3 ngày/lần hoặc tổ chức xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) mẫu đơn hoặc mẫu gộp 5-7 ngày/lần cho người dân đến khi đủ 14 ngày.
Với những trường hợp đi từ khu vực nguy cơ đến khu vực nguy cơ tương đương hoặc khu vực bình thường mới, với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 sẽ thực hiện Thông điệp 5K và hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương và thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.
Với trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 sẽ thực hiện Thông điệp 5K, cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, xét nghiệm 02 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7. Hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.
Các trường hợp đi từ khu vực nguy cơ thấp đến khu vực nguy cơ cao hơn, Sở Y tế trên địa bàn tiếp nhận người đến dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn để hướng dẫn theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.
...dân kêu trời vì khó
Theo văn bản hướng dẫn mới này, Bộ Y tế cho phép người dân di chuyển từ vùng nguy cơ rất cao sang vùng có nguy cơ nhưng vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày khiến không ít doanh nghiệp, người dân kêu khó.
Đáng nói, trước đó chỉ vài ngày, Bộ Y tế đã ra hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 với cơ sở sản xuất, kinh doanh, cho phép lao động đã tiêm đủ 2 liều vaccine không phải xét nghiệm định kỳ.
Anh Nguyễn Thành K. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tuy hiện tại Chính phủ, các bộ ngành đã tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề, cơ sở được hoạt động trở lại nhưng do vấn đề giấy tờ xác nhận để đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 nên nhiều lao động tại công ty của tôi vẫn chưa thể quay lại Hà Nội để làm việc".
Trong bối cảnh nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đang chuẩn bị hoạt động trở lại, đẩy mạnh sản xuất nhu cầu đi lại của người lao động làm việc ngoại tỉnh tăng cao, nếu yêu cầu bắt buộc phải có giấy xét nghiệm sẽ làm mất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
"Tôi làm việc và sinh sống ở 2 địa phương khác nhau, cần có giấy xét nghiệm trong vòng 72 giờ mới có thể đến nơi làm việc. Dù rằng chi phí do phía công ty chi trả nhưng cũng khiến cho công nhân ngoại tỉnh như tôi mất nhiều thời gian đi lấy mẫu, nhận kết quả vì tăng tần suất xét nghiệm, làm ảnh hưởng đến năng suất và công việc", chị N. (công nhân công ty giày da) chia sẻ.
Quy định mới của Bộ Y tế cũng có nhiều điểm trái ngược với hướng dẫn mới đây của Bộ GTVT: người tiêm 1 mũi vaccine sau 3 tuần, hoặc đã tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng đi máy bay, tàu hỏa không phải xét nghiệm.
Như vậy, hướng dẫn của các bộ, ngành đang có những sự mâu thuẫn, gây khó khăn cho người dân, người lao động khi di chuyển giữa các vùng.
Không những vậy, thực tế hiện nay, một số địa phương còn tự đưa ra những quy định "vượt khung" so với hướng dẫn của Bộ, ngành.
Nhiều tỉnh, thành vẫn áp dụng những biện pháp rất chặt chẽ khi người dân tỉnh thành khác ra, vào địa bàn, tạo cảm giác "trên mở, dưới đóng".
Lấy ví dụ như Bình Dương, tỉnh này vẫn yêu cầu người tiêm đủ 2 mũi vaccine phải xét nghiệm với tần suất dày đặc: ít nhất 2 lần trước khi vào sản xuất và trong quá trình lao động sản xuất phải xét nghiệm 2 lần/tuần...
Trước thực trạng này, một số chuyên gia y tế cho rằng, tuy không thể lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh nhưng trong bối cảnh người dân được tiêm vaccine đủ liều nhiều hơn, không thể cứ mãi giãn cách mà phải "mở cửa" theo lộ trình. Tuy nhiên, nếu vẫn áp dụng các yêu cầu về xét nghiệm như hiện nay sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, làm việc của người dân.
Vì vậy, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ GTVT,... và địa phương cần ban hành các văn bản hướng dẫn thống nhất, cụ thể. Tránh tình trạng mỗi địa phương "một phách", khiến thủ tục rườm rà, làm khó doanh nghiệp và người lao động.