Ủng hộ, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/9/2021, chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, tiếp tục nhận được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Các ý kiến thống nhất cho rằng, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị là cần kíp, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, được ví như hành lang pháp lý “cởi trói”; ủng hộ, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc quy định để bảo vệ những đổi mới, đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung vẫn rất cần cụ thể hơn, rõ ràng hơn bởi đổi mới, sáng tạo là rất khó vì phải vượt qua nếp nghĩ cũ, thói quen hành xử cũ, trong nhiều trường hợp được ví như đi trên con đường rất hẹp, chênh vênh, gai góc nhiều rủi ro, kể cả hiểm nguy.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì để làm được việc này những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải là những người nâng đỡ cho đổi mới, sáng tạo, “chứ lúc nào cũng giữ mình cho an toàn thì khó mà phát huy hiệu quả”.
Như vậy có thể hiểu rằng để đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Đó là phải nhìn ra được việc đó có thật tốt hay không, có vì lợi ích chung hay không và quan trọng là khi nhận ra thì phải dám quyết định ủng hộ, cũng có nghĩa là dám cùng chung trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, tình trạng “mũ ni che tai”, quanh quẩn trong lối mòn quen thuộc là khá phổ biến. Nhiều cán bộ có chức có quyền nhưng lại sợ trách nhiệm, không dám đổi mới và lại càng không dám bứt phá. “Tư duy nhiệm kỳ” cốt sao cho mình được bình an đã bị phê phán nhiều nhưng xem ra vẫn ít chuyển biến. Những khi nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại lưu ý vấn đề này để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống. Đó cũng chính là đòi hỏi vừa cấp bách, vừa lâu dài vì quyền lợi của đất nước, của nhân dân.
Suốt gần 2 năm qua, dịch Covid-19 hoành hành. Đó cũng chính là thời gian “lửa thử vàng” với cán bộ các ngành, các cấp, các địa phương. Ai dám làm, dám chịu trách nhiệm; ai không dám làm, sợ trách nhiệm thì cũng đều bộc lộ. Mới đây thôi, dư luận lại thêm một lần băn khoăn khi Cục Hàng không Việt Nam có công văn đề nghị các địa phương phối hợp nối lại các đường bay nội địa khi dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Nhưng thật đáng tiếc, lấy lý do phòng, chống dịch, có địa phương hai lần đề nghị chưa mở cửa sân bay cả chiều đi lẫn chiều đến. Cho đến ngày 5/10, mới chỉ có tỉnh Phú Yên, Điện Biên và Khánh Hòa đồng ý mở cửa sân bay tại địa phương mình.
“Sợ dịch” hay là sợ trách nhiệm? Nếu cứ giằng dai mãi không dám mở cửa thì biết đến bao giờ kinh tế - xã hội mới hồi phục chứ đừng nói đến chuyện tăng tốc phát triển.
Đất nước cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, đã có nhiều bài học quan trọng rút ra từ phòng, chống dịch thì phải mạnh dạn tiến về phía trước. Điều đó đòi hỏi cán bộ có chức có quyền phải có cách nhìn đúng và mạnh dạn dấn thân, vì lợi ích chung.
Ủng hộ, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, điều đó cần được coi như mệnh lệnh của cuộc sống. Tạo ra điểm đột phá là để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, ở đây, việc giám sát cũng rất quan trọng. Giám sát là để tránh làm sai, tránh lộng quyền, không tạo môi trường cho thói tự tung tự tác; và rất quan trọng giám sát cũng là để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, không để họ bị cô độc, bị thị phi, càng không thể để họ bị hãm hại.
Với ý nghĩa đó, Kết luận 14 của Bộ Chính trị đang nhận được sự kỳ vọng của toàn xã hội.