Nới lỏng chứ không buông lỏng
Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, giao thông đông đúc trở lại trong trạng thái bình thường mới, cũng là lúc xuất hiện tình trạng “nam thanh, nữ tú” đầu trần nghênh ngang trên các tuyến phố nội đô, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Xu hướng trên ngày càng có dấu hiệu gia tăng gây lo ngại về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Thủ đô.
Thực trạng các thanh niên nam nữ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm không hề hiếm gặp trên đường những ngày qua. Không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của bản thân nếu gặp rủi ro trên đường đã đành, các “cậu ấm, cô chiêu” còn coi thường sức khỏe và tính mạng của người đi đường khi phóng xe vun vút trên các con phố chật hẹp, đông đúc.
Không phải bỗng nhiên mà có quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người đi xe máy có đội mũ bảo hiểm nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì nguy cơ chấn thương sọ não, tổn hại nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí nguy cơ tử vong sẽ giảm đi rất nhiều. Theo đó, hàng năm sẽ tiết giảm được hàng chục tỷ đồng chi phí khắc phục hậu quả tai nạn gia thông (TNGT).
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hàng năm tổng thiệt hại về kinh tế do TNGT ước tính lên tới khoảng 6 tỷ USD, tương đương với hơn 2,5% GDP. Nếu số tiền đó không mất đi vì các vụ TNGT, mà được tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi công cộng, hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... thì tốt biết bao.
Đó là chưa kể những tổn thất dai dẳng về tinh thần, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của thế hệ trẻ trong mỗi gia đình có người bị thương do TNGT. Với nhiều người trẻ, tương lai của họ gần như mất đi khi chẳng may bị TNGT dẫn đến thương tật suốt đời. Không ít thanh niên phơi phới tuổi xuân phải chấp nhận trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Cũng vì nhìn rõ sự tai hại khi không đội mũ bảo hiểm, cũng như lợi ích rõ rệt của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nên nhiều người đã tự giác chấp hành. Đáng tiếc, vẫn còn một số ít bất chấp quy định của pháp luật, không chấp hành nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện mô tô, xe máy tham gia giao thông trên đường.
Đáng nói, trong số những người không chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tỷ lệ người trẻ tuổi lại chiếm đại đa số. Khi nghênh ngang đầu trần trên đường, họ không bao giờ tự hỏi nếu chẳng may bị TNGT thì sẽ như thế nào. Nhẹ cũng phải nằm viện dăm bữa nửa tháng, nặng có thể trở thành “phế nhân”, thậm chí mất đi tính mạng quý báu.
Nhiều người sau khi xảy ra TNGT mới hối hận rằng “biết thế...”. Cuộc đời không bao giờ có chữ “giá như” hay “biết thế”, nếu không đủ tỉnh táo suy nghĩ và làm điều đúng đắn sẽ lập tức mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Có những sai lầm có thể khắc phục, sửa chữa, nhưng cũng có những sai lầm không bao giờ bù đắp được, chỉ có thể chấp nhận thực tại.
Ngay cả khi không bị nguy hại sức khỏe, tính mạng, không bị hao tốn tiền bạc, những người bất chấp quy định cũng vẫn phải đối mặt với lực lượng chức năng bảo vệ pháp luật. Nếu bị phát hiện, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng hơn khi gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ vì ý thích nhất thời mà phải vào tù liệu có đáng?
Đến thời điểm này, mọi quy định của pháp luật về giao thông đường bộ chưa có gì thay đổi. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước sau thời gian dài giãn cách xã hội nay nới lỏng để người dân tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Điều đó có nghĩa người dân được phép ra đường hoạt động, chứ không phải được phép không đội mũ bảo hiểm. Nới lỏng giãn cách không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý.