Thị trường bất động sản: Trầm lắng kéo dài

H.Hương 07/10/2021 06:00

“Nốt trầm” thị trường bất động sản (BÐS) kéo dài từ thời điểm dịch Covid -19 bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 đến nay. Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, BÐS phải cần thêm một khoảng thời gian khá dài để có thể tăng trưởng trở lại.

Khó hồi phục ngay

Ðầu tháng 10, TP HCM và một số tỉnh, thành bắt đầu dỡ phong tỏa, có lộ trình mở cửa trở lại để phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia BÐS, rất khó để kỳ vọng một kịch bản “màu hồng” trong những tháng tới.

Thời điểm này, một số DN BÐS đã tung ra kế hoạch quảng bá dự án mới. Chẳng hạn Tập đoàn Vạn Phúc đang chuẩn bị ra mắt dự án chung cư đầu tiên nằm trong Khu đô thị Vạn Phúc, với diện tích 1,7 ha gồm 2 block, mỗi block có khoảng 300 căn hộ. Hay tập đoàn Hưng Thịnh cũng phát đi thông báo, sắp ra mắt Dự án Moonlight Centre Point…

Song nhìn vào lượng hàng mà các DN cung ứng, có thể thấy không hơn gì so với thời điểm trước dịch.

Theo đó, ở lĩnh vực nhà ở, hầu hết các dự án phát triển BÐS trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công (từ tháng 4 đến hết tháng 9) vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch, điều này khiến nguồn cung nhà ở trên thị trường không “bung” được.

Hoạt động giao dịch mua - bán BÐS trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì khách hàng và nhà đầu tư không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận… Chưa kể BÐS là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.

Ðánh giá về thị trường BÐS cuối năm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhìn nhận, cả hai thị trường Hà Nội và TP HCM sẽ thiếu hụt về nguồn cung. Bởi cho dù được mở cửa dần vào tháng 10/2021, những sự kiện tập trung đông người vẫn chưa được phép triển khai. Theo bà Dung, với mức độ tập trung ít như vậy, những chủ đầu tư có dự án quy mô lớn muốn chào bán buộc phải bán theo giai đoạn, với số lượng vừa và nhỏ.

Xem nhiều hơn mua

Nhìn nhận về thị trường BÐS trong quý cuối năm 2021, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nguồn cung không dồi dào, nhu cầu mua nhà vẫn có nhưng không cao.

Chuyên gia BÐS Trần Khánh Quang nhìn nhận, hiện nay tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh rất khó, thế nên BÐS là một kênh được nhiều nhà đầu tư nhắm đến. Tuy nhiên, có thể khách hàng muốn đi xem thôi chứ chưa chắc đã quyết định mua. Do đó, sau dịch Covid-19 sẽ có làn sóng đi xem BÐS nhiều hơn đi mua.

Suốt 3 tháng dịch, nhiều nhà đầu tư phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng. Số liệu thống kê cho biết, bên cạnh nhóm 80% nhà đầu tư có nhu cầu xem sản phẩm BÐS để mua vào thì vẫn có 20% nhà đầu tư có nhu cầu bán ra. “Như vậy, thị trường BÐS sau dịch sẽ có kịch bản: Một bên thì đợi mở cửa để bán ra, còn khách muốn mua chưa chắc đã mua”, ông Quang nhấn mạnh.

Nhiều quan điểm cũng cho rằng thị trường địa ốc không thể tăng trưởng ngay lập tức khi kịch bản “sống chung với dịch Covid-19” được kích hoạt. Sớm cũng phải chờ đến cuối năm 2022, thậm chí đầu năm 2023 mới tăng trưởng lại. Khó khăn lớn nhất của thị trường BÐS hiện nay là thanh khoản kém. 4 tháng qua, nhà đầu tư phải vật lộn với tình trạng dòng tiền yếu, thu nhập sụt giảm.

Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) nhìn nhận, khó có thể kỳ vọng sự chuyển biến nhanh của thị trường BÐS trong 1-2 tháng tới vì dư chấn của đợt dịch lần thứ 4 có thể đảo lộn các kế hoạch kinh doanh BÐS trong ít nhất 6 tháng nữa.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cảnh báo, khoảng từ 3 - 6 tháng tới, hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, BÐS nói riêng sẽ tiếp tục khó khăn, và câu chuyện vỡ nợ của Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) là một lời cảnh báo đối với thị trường BÐS trong nước.

Nhận định về thị trường BÐS thời điểm này, ông Nguyễn Vãn Ðính, Phó Chủ tịch hội Môi giới BÐS Việt Nam cho rằng, DN dịch vụ, môi giới BÐS thực sự suy yếu, chưa thể hồi phục hoạt động ngay trong quý IV-2021.

Ngoài ra, ông Ðính cũng cho rằng, khách hàng có nhu cầu mua nhà, phục hồi và phát sinh nhu cầu không cao, trong quý IV-2021 ước đạt 30% lực cầu mua nhà so cùng kỳ các năm 2018, 2019. Bên cạnh đó, giá BÐS quý IV-2021 sẽ được điều chỉnh tương đương cùng kỳ năm 2020. Toàn thị trường dự báo tỷ lệ hấp thụ đạt trên 40%. Tuy nhiên, thị trường vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng (giải phóng mặt bằng) thuế đất tăng, nguyên vật liệu và thiết bị tăng, nhân công tăng…

H.Hương