Nghiêm trị lợi dụng từ thiện để lừa đảo

Đức Sơn 07/10/2021 00:06

Công an liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm.

Lợi dụng thiên tai, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều đối tượng đã tìm mọi cách đánh vào lòng trắc ẩn, lòng “tương thân, tương ái” của người dân để lừa đảo. Chúng dựng lên những mảnh đời cùng cực, éo le, thậm chí nhân danh tổ chức, hội, nhóm thiện nguyện... trên “không gian mạng” kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền hỗ trợ người khó khăn.

Thế nhưng, hầu hết đó chỉ là “màn kịch” của kẻ xấu dựng lên trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà hảo tâm, gây bức xúc, xói mòn lòng tin trong nhân dân.

Muôn kiểu lừa đảo “núp bóng” từ thiện

Vốn có tâm thiện, bà Đ.T.T.H. (trú tại TP Huế) hay đứng ra kêu gọi, nhận quyên góp tiền ủng hộ từ thiện rồi chuyển, trao đến cho những hoàn cảnh khó khăn.

Vừa qua, bà H. nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ thông báo với nội dung: WESTERN UNION TB VCB: 0161371170xxx + 23.000.000 đồng với nội dung tiền ủng hộ. Người gửi gọi điện hối thúc bà H. bấm vào đường link để nhận tiền. Tin tưởng, bà H. làm theo hướng dẫn và bị mất toàn bộ số tiền 537 triệu đồng trong tài khoản.

Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định đối tượng Lê Thanh Phụng (18 tuổi, trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) chính là thủ phạm và bắt giữ đối tượng này.

Thủ đoạn lừa đảo của Phụng là thường xuyên lên mạng xã hội, lập tài khoản Facebook ảo tên “Tommy Le”, tham gia vào các hội nhóm của đạo Thiên chúa, kết bạn với các Linh mục, các Sơ và nhiều người trong nhóm.

Đối tượng Lê Thanh Phụng.

Nhắm được con mồi, Lê Thanh Phụng nhắn tin, gọi điện nói chuyện rồi ngỏ ý muốn chuyển tiền từ thiện. Đối tượng này cũng gửi đường link đề nghị nạn nhân đăng nhập, cung cấp các thông tin theo yêu cầu để xác nhận tiền.

Lúc này, tất cả thông tin liên quan tài khoản ngân hàng của nạn nhân đều được gửi về tài khoản Email do Phụng quản lý, sau đó đối tượng đăng nhập vào tài khoản để thực hiện lệnh chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Với thủ đoạn lừa đảo trên, ngoài bà H. bị chiếm đoạt 537 triệu đồng, Phụng đã chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng.

Mới đây, cơ quan công an cũng vừa bắt giữ Trần Văn Lâm (23 tuổi, trú tại tỉnh Hà Nam) về hành vi lập fanpage Facebook kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt.

Theo đó, Lâm đã thiết lập trang fanpage Facebook “Hỗ Trợ Trẻ Em”, đăng hàng trăm bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đối tượng Trần Văn Lâm.

Từ lời kêu gọi của Lâm trên các fanpage Facebook, đã có hàng nghìn nhà hảo tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng đến tài khoản ngân hàng do Lâm tạo lập, quản lý.

Ngoài ra, Lâm còn lập thêm 7 trang Fanpage Facebook khác nhằm mục đích lừa đảo tương tự, gồm: “Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em”, “Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em Việt Nam”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương Kết nối yêu thương”, “Quan Thế âm Bồ tát”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”…

Sau khi nhận tiền, Lâm không chuyển tiền cho gia đình các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà chuyển đến các tài khoản ngân hàng của mình rồi dùng để chơi game bài và chi tiêu cá nhân.

Tại Hà Nội, Công an huyện Gia Lâm cũng vừa khởi tố bị can Đỗ Thị Kim Ngân (nổi tiếng với biệt danh Ngân “gốm”) để làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, Ngân lập nhiều tài khoản Facebook như “Ngân Gốm”, “Đỗ Thị Kim Ngân Paula”… để livestream, rao bán các sản phẩm từ gốm và nhiều hàng hóa khác trên mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Đỗ Thị Kim Ngân.

Đáng chú ý, Ngân “gốm” còn lợi dụng việc livestream để kêu gọi từ thiện, cứu trợ các vùng gặp thiên tai và nơi khó khăn. Khi các nạn nhân chuyển tiền mua hàng, quyên góp từ thiện thì Ngân “gốm” tắt điện thoại, cắt liên lạc rồi sử dụng số tiền lừa đảo được chi tiêu cá nhân. Bước đầu, Ngân thừa nhận chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng của khoảng 10 người.

Theo Bộ Công an, thời gian gần đây, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm. Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. “Đây là thủ đoạn phạm tội rất đáng lên án và người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản” - đại diện Bộ Công an cho biết.

Nhận tiền quyên góp rồi chiếm đoạt

Theo Bộ Công an, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là tạo lập các trang mạng xã hội, sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn cần được giúp đỡ, hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.

Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập, quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận số tiền được các nhà hảo tâm chuyển đến, các đối tượng không bàn giao tiền từ thiện cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân, hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục “kêu gọi từ thiện”...

Bộ Công an cho biết, lực lượng công an đang tăng cường rà soát, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo tiền từ thiện qua mạng xã hội.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) đánh giá, về bản chất, hành vi nêu trên là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Hậu quả lớn nhất của hành vi trên là làm xói mòn lòng tin của cộng đồng trước những lời kêu gọi từ thiện. Khi người hảo tâm nghi ngờ những đồng tiền của mình gửi qua các tổ chức, cá nhân sau đó không được gửi đến đúng địa chỉ thì người ta sẽ e ngại, không tham gia vào hoạt động từ thiện nữa. Đối tượng gánh chịu hậu quả chính là những người có hoàn cảnh khó khăn, cần hỗ trợ sẽ không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cũng đưa ra khuyến cáo, đứng trước những thông tin về các trường hợp cần được hỗ trợ, giúp đỡ, các nhà hảo tâm nên gửi tiền từ thiện của mình đến các cơ quan, tổ chức có chức năng chuyên về hoạt động từ thiện, nhân đạo như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, chính quyền địa phương nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh…

Nếu muốn gửi tiền cho các cá nhân vận động từ thiện trên “mạng xã hội” thì cần xem xét người đưa ra những lời kêu gọi này có uy tín trong xã hội không, có tài khoản tin cậy không và kiểm tra cuộc vận động từ thiện đó có kế hoạch và công khai, minh bạch hay không…

GS TS, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 64

Khi xảy ra bão lụt, người dân động lòng trắc ẩn, ai cũng muốn đóng góp để ủng hộ đồng bào của mình - những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong lúc đó, nhiều người có uy tín trong xã hội, người của công chúng đã tổ chức quyên góp, ủng hộ. Đó là việc bình thường và xã hội nào cũng có.

Tuy nhiên khi cá nhân làm từ thiện nếu không có sự kiểm soát, biện pháp để giám sát thì sẽ nguy hiểm, không lường được hết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.

Cái gì càng dễ dãi, cái đó càng phải nghiêm khắc. Người dân quyên góp tiền để ủng hộ rất dễ dãi, nhưng khi nghĩ số tiền bị “xà xẻo” thì họ càng cảm thấy bức xúc gấp bội phần. Trong hàng trăm ngàn người ủng hộ, chỉ cần có một vài ý kiến cho rằng thu, chi có trong sáng hay không? lúc đó vấn đề sẽ trở thành “hiệu ứng” cộng đồng. Bởi sao kê phần thu vào là dễ dàng, nhưng chi ra lại là cả một câu chuyện.

Hoạt động từ thiện, thiện nguyện để giúp cho người nghèo cần phải duy trì. Tuy nhiên, từ các vụ việc gây dư luận vừa qua, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc tìm ra sự thật, tính đúng đắn, minh bạch để công bố, công khai trả lời cho người dân và dư luận xã hội được biết. Nếu sai, có trục lợi cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Chính phủ ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Theo dự thảo, Nghị định mới này sẽ bổ sung quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Do đó, cần nhanh chóng sửa đổi, ban hành Nghị định mới để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Qua đó tiếp tục duy trì hoạt động thiện nguyện lành mạnh, minh bạch trong xã hội văn minh.

PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội: Ai làm sai phải bị xử lý

Người Việt Nam có truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Đặc biệt, trong lúc khó khăn, sự chia sẻ càng lên đến đỉnh cao, kể cả những người chỉ đủ ăn nhưng “bát cơm vẫn chia đôi”.

Đó là tấm lòng “chia ngọt sẻ bùi” truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam.

Trong lúc khó khăn, không quỹ nào của nhà nước có thể tài trợ hết được, cho nên xã hội hóa từ thiện là điều cần thiết ở thời điểm hiện nay, qua đó huy động mọi người, mỗi người đóng góp một ít thì “ba cây chụm lại mới thành hòn núi cao”.

Gần đây, một số người thông qua uy tín cá nhân đã đứng ra huy động, quyên góp từ thiện. Trong đó có những người làm tốt, trao tận tay người đang bị nạn là đáng quý vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có một số người lợi dụng uy tín cá nhân của mình đứng ra quyên góp, nhưng tiền không chuyển hết cho người dân đang khó khăn. Như vậy là không đúng với mong muốn của những người gửi tiền cho họ để làm từ thiện.

Từ đó, dư luận xã hội phản ứng gay gắt và yêu cầu cần sự minh bạch trong từ thiện, tức là tiền đã quyên góp thì 1 đồng cũng phải chuyển đến cho người cần giúp đỡ. Vì chưa minh bạch nên dư luận xã hội mới lên án yêu cầu phải minh bạch.

Do hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa rõ, chưa đầy đủ về việc cá nhân được làm từ thiện như thế nào? Do đó tới đây cần hoàn chỉnh về mặt pháp luật, quy định rõ trong trường hợp nào cá nhân được phép làm, làm như thế nào?. Lúc đó sẽ hạn chế những tiêu cực không mong muốn. Và ai làm sai phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

H.Vũ(ghi)

Đức Sơn