Áp dụng tình tiết tăng nặng với hành vi kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt tài sản

Hoàng Anh (thực hiện) 07/10/2021 00:07

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS (Hà Nội) đánh giá việc sử dụng mạng xã hội để lập các fanpage để kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt tài sản thì cần áp dụng thêm nhiều tình tiết tăng nặng.

PV:Luật sư đánh giá như thế nào về tình trạng nhiều đối tượng kêu gọi từ thiện trên mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thời gian qua?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Nhân dân ta có một truyền thống vô cùng tốt đẹp, đó là tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tuy nhiên, việc có một số đối tượng lợi dụng tình thương của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là hiếm.

Thực tế, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các vụ việc lừa đảo thông qua việc lập các trang mạng xã hội như ủng hộ bão lụt ở miền Trung hay hiện tại là quyên góp chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, khi các đối tượng thực hiện vận động tiền từ thiện qua mạng Internet, các cơ quan chức năng cũng khó có thể thu thập được các căn cứ, bằng chứng để buộc tội. Lợi dụng kẽ hở này mà các đối tượng tội phạm càng manh động và công khai hơn.

Đây là một loại tội phạm rất tinh vi, lợi dụng chính sách tự do thông tin và công nghệ và đánh vào tinh thần “tương thân, tương ái” của người dân để phạm tội. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử phạt nghiêm khắc thì đây sẽ là “miếng mồi ngon” cho đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.

Pháp luật nước ta đã có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các vụ việc kêu gọi từ thiện trên mạng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay chưa, thưa Luật sư?

- Việc phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua kêu gọi từ thiện còn chưa nhiều, bởi vì hiện nay chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động kêu gọi quyên góp, ủng hộ của cá nhân. Do đó, thông thường các hoạt động này phát sinh một cách tự phát trên cơ sở của việc “tặng cho” theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.

Với những giao dịch dân sự, thông thường các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được và chỉ khi nào chủ thể trong giao dịch phát hiện và có bằng chứng về việc có dấu hiệu tội phạm, sau đó tố giác thì các cơ quan mới có thể nắm được và tiến hành điều tra xử lý vụ án.

Theo quy định của pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối: Giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng. Song thực tế, họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền, hoặc toàn bộ số tiền, đó là hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên.

Việc sử dụng mạng xã hội, mạng internet để lập các fanpage lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể còn bị áp dụng thêm nhiều tình tiết tăng nặng như phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt....

Các hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (Điều 290 Bộ luật Hình sự), với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Để ngăn chặn, răn đe tình trạng lừa đảo “núp bóng” từ thiện qua mạng, cần có những giải pháp gì, thưa Luật sư?

- Để ngăn chặn tình trạng trên, trước hết, Nhà nước ta cần phải xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận động từ thiện của tất cả các cá nhân và tổ chức. Việc này sẽ hạn chế tối đa việc vận động từ thiện một cách tự phát và cũng là căn cứ để xác định các hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động này.

Đồng thời, cơ quan công an cần phải có sự chủ động hơn trong việc kiểm soát, phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật. Khi các cơ quan cho rằng việc vận động quyên góp của một cá nhân, tổ chức nào đó có dấu hiệu của việc chiếm đoạt hoặc gây ra sự mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội thì sẽ chủ động vào cuộc điều tra mà không cần phải có sự tố giác của người bị hại.

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần siết chặt việc quản lý an toàn thông tin mạng, đưa các trang mạng xã hội, người tham gia mạng xã hội vào “khuôn khổ”, nâng cao trách nhiệm của mọi người dân khi tham gia sử dụng mạng Internet nhằm lấp đi những kẽ hở để cho những đối tượng tội phạm lợi dụng.

Cuối cùng, đối với chính bản thân mọi người cũng cần phải có sự cảnh giác, không nên cả tin, chuyển tiền cho bất cứ một cá nhân, tổ chức nào khi mà không thể kiểm soát được nguồn tiền đó có được sử dụng đúng mục đích hay không ?

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Anh (thực hiện)