Giáo dục bằng khuyên nhủ: Cần nhưng chưa đủ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong giáo dục hiện đại, phải luôn kết hợp giữa khen thưởng và hình phạt. Đó là hai mặt đối lập trong một thể thống nhất.
Theo PGS TS Nguyễn Hồi Loan, giá trị của khuyên nhủ là giúp phát huy được tính tự giác, tích cực làm chủ bản thân của mỗi cá nhân trong những hoàn cảnh nhất định. Điều này rất quan trọng, nhất là với trẻ em bởi do chưa đủ hiểu biết và trải nghiệm, không phải lúc nào các em cũng có thể xử sự đúng trong các tình huống khác nhau trong cuộc sống. Do đó, cần có bố mẹ bên cạnh để khuyên nhủ, chỉ bảo.
Vì vậy, rèn luyện tính tự giác cho trẻ bằng hình thức khuyên nhủ là phù hợp. Bằng kinh nghiệm và hiểu biết của người lớn, chúng ta dạy cho trẻ ứng xử thế nào là đúng, là sai, là nên và không nên để các em lĩnh hội được để trong các tình huống tương tự, các em hành động đúng.
“Trong giáo dục hiện đại, phải luôn kết hợp giữa khen thưởng và hình phạt. Đó là hai mặt đối lập trong một thể thống nhất. Nếu như khen thưởng là để củng cố hành vi mới để hành vi mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội, gia đình thì việc đáp trả hành vi gây ảnh hưởng đến người khác, hoặc xâm phạm đến lợi ích của người, nhóm người được thể hiện một cách chính quy đó là thông qua hệ thống pháp luật điều chỉnh để đảm bảo lợi ích của cả cộng đồng. Đó chính là hình phạt” - ông Loan nói.
Theo ông Loan, ngay cả gia đình cũng có quy định riêng, trừng phạt có những mặt hạn chế như làm không tốt sẽ gây ra sự chống đối. Vì vậy, trước khi đưa ra hình phạt, chúng ta phải giáo dục ý thức, yêu cầu thực hiện theo một quy định, gọi chung là tự do trong khuôn khổ pháp luật, sự giám sát của xã hội.
Để làm chủ được bản thân, cần trang bị tri thức, hiểu biết, những hành vi nào được làm, hành vi nào không. Nếu vượt quá giới hạn đó thì phải chịu trừng phạt của pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải duy trì hình phạt trong giáo dục. Nhưng với trẻ em, phạt thế nào để không phản tác dụng? Theo PGS TS Nguyễn Hồi Loan, trước khi nói đến các hình phạt, các bậc phụ huynh cần lưu ý là đa phần các hình phạt đều đem lại những cảm xúc tiêu cực nên phải rất cân nhắc các hình phạt phù hợp với lứa tuổi, mức độ vi phạm, hoàn cảnh…
Trong đó, đối với trẻ em hình phạt nên là hạn chế các nhu cầu của trẻ. Không nên sử dụng các hình phạt đánh đập, gây tổn thương về thể xác, những lời nói gây tổn thương tâm hồn con trẻ sẽ gây tác dụng ngược trong giáo dục đứa trẻ.
Ông Loan đưa ra một ví dụ cụ thể, đó là trẻ rất thích chơi game. Vậy bố mẹ có thể thống nhất với trẻ là nếu con không vi phạm quy định nào đó thì sẽ được chơi game 10-20 phút tùy thuộc gia đình, còn nếu vi phạm con sẽ không được chơi game. Chính hình phạt phù hợp sẽ trở thành động lực để thôi thúc đứa trẻ vượt qua những lỗi lầm, khuyết điểm của các em để hoàn thiện mình hơn.
Với trẻ em đang ở lứa tuổi thiếu những hiểu biết, có thể tìm những hình mẫu trong gia đình, xã hội, cộng đồng để nêu gương, làm theo, trước hết là giáo dục, dạy dỗ, chỉ bảo các em tri thức, kiến thức, để các em làm theo, tránh vi phạm những điều không được phép. Đối với trẻ em phải kiên nhẫn từng li từng tí, không thể nóng vội.
“Muốn làm được điều đó, người lớn cần biết kiểm soát cảm xúc của chính mình bởi vì bất kỳ hành vi sai trái nào cũng tạo nên những cảm xúc tiêu cực, dẫn đến sự tức giận, mất kiểm soát hành vi… Từ đó trút giận lên đầu đứa trẻ. Các bậc cha mẹ phải hết sức kiềm chế, tìm ra nguyên nhân tại sao đứa trẻ có hành vi như vậy để trên cơ sở đó giáo dục đứa trẻ. Nên nhớ bất kỳ hành vi nào của trẻ em đều có nguyên nhân từ phía người lớn, vì vậy trước hết phải nghiêm khắc với chính mình, chỉ bảo, dạy dỗ với trẻ nhỏ. Thiếu đi sự dạy dỗ chu đáo toàn diện thì trẻ có thể mắc những sai lầm, khi đó người lớn phải xem lại chính mình trước tiên”- ông Loan nhấn mạnh.
Thời gian qua, nhiều việc đáng tiếc đều xuất phát từ sự mất bình tĩnh, nóng giận của người trong cuộc. Theo PGS TS Nguyễn Hồi Loan, trong quá trình giáo dục con cái, nhiều bậc cha mẹ vi phạm điều này. Vì vậy, không có cách nào khác là phải rèn luyện để thành thói quen.
Chẳng hạn, trước những việc làm sai trái của con cháu trong gia đình, hãy suy nghĩ trước khi đưa ra những lời nói. Bởi ngay cả những lời nói cũng gây ra tổn thương, ám ảnh đứa trẻ. Từ đó dẫn đến những nhận thức, hiểu biết lệch lạc của con trẻ, những đánh giá sai lầm về chính cha mẹ chúng…